Chiến dịch can thiệp quân sự vào Li-bi: Thiếu Mỹ, NATO gặp khó

07:28, 18/04/2011

Trong khi các cuộc không kích của NATO chưa đánh bại được lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi (M.Gaddafi) thì báo “Bưu điện Oa-sinh-tơn” ngày 15-4 cho biết, NATO đang “cạn đạn” cho các chiến dịch quân sự tại Li-bi.


Theo tờ báo này, lý do mà NATO chưa thể mở rộng các đợt tấn công ở Li-bi là do tổ chức quân sự này đang thiếu bom oanh tạc độ chính xác cao cùng nhiều loại đạn dược khác cho chiến dịch. Dù không dẫn số lượng cụ thể, nhưng tờ báo này dẫn lời các quan chức cấp cao NATO và Mỹ cho biết, sự thiếu hụt này cho thấy những hạn chế của Anh, Pháp và các nước châu Âu khác trong việc duy trì một chiến dịch quân sự thậm chí có quy mô tương đối nhỏ.

Tuần trước, Mỹ đã rút 50 máy bay chiến đấu khỏi chiến dịch ở Li-bi sau khi trao quyền chỉ huy chiến dịch cho NATO, dù kể từ đó Oa-sinh-tơn vẫn tham gia vào một số phi vụ không kích nhằm triệt hạ các hệ thống phòng không của ông Ca-đa-phi. Hiện chỉ có 6 trong số 28 nước thành viên NATO tham gia thực hiện các cuộc không kích Li-bi, trong đó Pháp và Anh thực hiện một nửa số vụ, nửa còn lại do Bỉ, Đan Mạch, Na Uy và Ca-na-đa thực hiện. Theo nhận định của tờ "Bưu điện Oa-sinh-tơn", sự thiếu hụt đạn dược của châu Âu cùng sự hạn chế về số lượng máy bay chiến đấu đã làm gia tăng những nghi ngại trong một số quan chức về khả năng Mỹ tiếp tục đứng ngoài chiến dịch không kích này.

Lao động nước ngoài sơ tán khỏi Mi-xta-ra. Ảnh: AP

 

Tuy nhiên, Pháp vẫn hối thúc NATO nhanh chóng mở rộng các đợt tấn công quân sự nhằm vào các mục tiêu hậu cần chiến lược của lực lượng trung thành với ông Ca-đa-phi, nhằm tìm cách phá vỡ thế bế tắc trong giải quyết vấn đề Li-bi. Phản ứng trước động thái trên, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) tuyên bố, hành động quân sự của NATO ở Li-bi đã vượt quá thẩm quyền mà Liên hợp quốc cho phép. Ông La-vrốp nhấn mạnh: “Cần sớm có giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này, và điều quan trọng là không nên lạm dụng "sức mạnh quân sự quá mức" vì nó sẽ dẫn tới việc gây thêm thương vong cho dân thường”.

Ngày 16-4, lực lượng của ông Ca-đa-phi đã bắn hơn 100 quả rốc-két vào Mi-xta-ra, thành phố lớn thứ ba ở Li-bi đang nằm trong tay lực lượng chống chính phủ ở miền Tây Li-bi. Theo Roi-tơ, lực lượng chính phủ đã đưa xe tăng và rốc-két tới thành phố này, tiến hành một cuộc tổng tấn công. Trong khi đó, thành phố duyên hải Xơ-tê, quê hương của nhà lãnh đạo Ca-đa-phi, cách thủ đô Tri-pô-li 360km về phía Đông, cũng tiếp tục hứng chịu nhiều cuộc không kích của NATO trong hai ngày qua.

Trong bối cảnh giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại nhiều nơi ở Li-bi, đặc biệt là tại miền Đông, các cơ quan nhân đạo quốc tế cho rằng việc sử dụng quân đội hộ tống các đoàn viện trợ nhân đạo là phương kế cuối cùng. Bà Ê-li-da-bét Bai-ơ (Elisabeth Byrs), người phát ngôn Cơ quan Nhân đạo LHQ cho biết, cơ quan này đang nỗ lực hết mình nhằm duy trì việc cung cấp hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Li-bi: “Hiện hàng viện trợ đang từng bước được phân phối tới các khu vực miền đông và miền tây Li-bi. Các tàu viện trợ đến Mi-xra-ta đang cố gắng sơ tán người dân. Đã có sự hiện diện của Liên hợp quốc tại Ben-ga-di. Nếu chiến sự tiếp tục nổ ra, gây cản trở cho việc phân phối hàng viện trợ, chúng tôi sẽ buộc phải nhờ tới trợ giúp của các đoàn hộ tống quân sự”. Ngày 16-4, Tổ chức Di trú Quốc tế cũng cho biết, cần quyên góp khẩn cấp 5 triệu USD trong hai ngày tới để sơ tán 8 nghìn lao động nhập cư đang bị mắc kẹt tại Mi-xra-ta.


qdnd

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhật sẽ hủy bỏ 4 lò phản ứng tại Phư-cư-si-ma số 1
Theo BBC ngày 30-3, Nhật Bản quyết định sẽ hủy bỏ 4 lò phản ứng đang gặp sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1. Công ty Điện lực Tô-ki-ô (TEPCO) đã đưa ra thông báo trên sau 3 tuần không kiểm soát được các lò phản ứng 1, 2, 3 và 4 tại nhà máy này.
31/03/2011
Li-bi lực lượng chống chính phủ bị đẩy lùi xa khỏi quê hương ông Ca-đa-phi
Với trang bị và tổ chức tốt hơn quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Li-bi M. Ca-đa-phi (M. Gaddafi) ngày 29-3 đã đẩy lực lượng chống chính phủ lùi xa khỏi thành phố Sơ-tê, quê hương của ông Ca-đa-phi.
30/03/2011
Thái Lan đồng ý họp Ủy ban biên giới chung với Cam-pu-chia tại In-đô-nê-xi-a
Báo chí Cam-pu-chia ngày 29-3 cho biết, trong một động thái khá bất ngờ, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, tướng Pra-vít Vông-xu-vôn (Prawit Wongsuwon) đã đồng ý tham dự cuộc họp Ủy ban biên giới chung (GBC) với Cam-pu-chia tại In-đô-nê-xi-a, với điều kiện nước chủ nhà không được trực tiếp tham gia cuộc thảo luận.
30/03/2011
Thủ tướng Nhật bị kêu gọi từ chức sau thảm họa
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đang phải đối mặt với những lời kêu gọi ông từ chức từ các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng đối lập và các nghị sỹ đảng cầm quyền.
15/04/2011