Sự cố điện hạt nhân tại Nhật Bản: Tạm sơ tán công nhân vì báo động phóng xạ tăng vọt
Các công nhân đang làm công tác khắc phục sự cố hạt nhân tại lò phản ứng số 2 thuộc Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 đã phải tạm thời sơ tán khẩn cấp vào ngày 27-3 sau khi phát hiện nước rò rỉ từ lò phản ứng có lượng phóng xạ cao gấp 10 triệu lần cho phép, lên tới 1000 millisieverts/giờ.
Người phát ngôn Công ty Điện lực Tô-ki-ô (TEPCO) Ta-ca-si Ku-ri-ta cho biết, nguyên nhân đang được kiểm tra và công tác ứng cứu tại Phư-cư-si-ma số 1 phải dừng lại do lượng phóng xạ tăng cao. Người phát ngôn cho hay có khả năng lớn các thanh nhiên liệu đang bị phá hủy. Trong khi đó, ông Hi-đe-hi-cô Ni-si-i-a-ma, một quan chức cấp cao hạt nhân của Nhật nhận định nguyên nhân có vẻ do phóng xạ bị rò rỉ từ một vết nứt hoặc thủng của vỏ lõi lò phản ứng.
Các công nhân đang nỗ lực khắc phục sự cố tại Nhà máy Phư-cư-si-ma số 1. Ảnh: Roi-tơ |
Tuy nhiên, ngay sau đó, các giới chức Nhật Bản đã lên tiếng xin lỗi vì thông tin mức phóng xạ cao hơn 10 triệu lần cho phép là không chính xác. Họ cho biết, công nhân đo mức nhiễm phóng xạ đã vội rút đi ngay sau khi thấy chỉ số cao quá mức mà không kịp đọc chỉ số lần thứ hai. Các nhà điều hành lò phản ứng cũng khẳng định đây là một sự lầm lẫn. “Con số này là không đáng tin cậy. Chúng tôi rất lấy làm tiếc”, phát ngôn viên của TEPCO nói. Ông này cho biết, mẫu thử khác đã được lấy để đo mức nhiễm xạ chính xác nhưng không cho biết khi nào sẽ thông báo kết quả.
Trước đó, cùng ngày 27-3, Cơ quan an toàn hạt nhân của Nhật thông báo lượng i-ốt phóng xạ trong nước biển gần nhà máy đã tăng từ 1.250 lần lên mức 1.850 lần. Nước biển ở Thái Bình Dương cách Nhà máy Phư-cư-si-ma khoảng vài trăm mét. Một chuyên gia của Viện An toàn phóng xạ hạt nhân Pháp lo ngại nước nhiễm xạ ở nồng độ cao từ trong lò phản ứng chảy ra biển sẽ đe dọa sự sống của cá và các loại sinh vật khác. Tuy nhiên theo các chuyên gia, hàm lượng i-ốt phóng xạ trong nước biển chưa đe dọa sức khỏe con người vì i-ốt phóng xạ bay hơi khá nhanh. Khi con người ăn phải thực phẩm có nguồn gốc ở khu vực nước biển bị ô nhiễm thì lượng i-ốt phóng xạ đã biến mất từ trước đó. Ông Hi-đe-hi-cô Ni-si-i-a-ma cho biết, khu vực nước biển bị nhiễm xạ không phải là nơi khai thác nguồn hải sản và mức nhiễm xạ không đe dọa ngay lập tức tới sức khỏe con người. Theo các chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, nước biển sẽ nhanh chóng làm loãng mức độ nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, một nhân tố nguy hiểm khác là chất caesium-137, có thể tồn tại hàng chục năm - hiện cao gấp 80 lần mức cho phép.
TEPCO hiện đang nỗ lực khôi phục nguồn điện tại phòng điều khiển của lò phản ứng số 4, cũng như sử dụng nước ngọt để làm mát các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng này và các lò phản ứng số 1, 2 và 3. TEPCO cũng tiến hành vận chuyển khối lượng nước có chứa lượng phóng xạ cao được phát hiện trong buồng tuốc-bin của lò phản ứng số 1 tới một nơi chứa an toàn. Lo ngại về lượng muối tích tụ trong lò có thể gây ăn mòn các bộ phận hoặc ảnh hưởng đến quá trình thải nhiệt của các bộ phận, nước ngọt đang được bơm vào các lò phản ứng thay vì nước biển mặn. Quân đội Mỹ hỗ trợ công việc này bằng cách chở hai sà lan nước ngọt đến từ căn cứ của họ gần Tô-ki-ô.
Những phát hiện về tình trạng nước nhiễm phóng xạ trong ba ngày qua ở Phư-cư-si-ma đã gây trở ngại đáng kể cho công việc khôi phục hoạt động của hệ thống làm mát tại nhà máy này. Ngày 27-3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Y-u-ki-ô E-da-nô tuyên bố sẽ tiếp tục sửa chữa các hư hỏng để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn ở Phư-cư-si-ma. Hiện có khoảng 600 người đang làm việc theo cơ luân phiên nhau tại Nhà máy Phư-cư-si-ma. Thời gian họ làm việc tại nhà máy được kiểm soát chặt chẽ để sao cho độ phơi nhiễm phóng xạ ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, đã có hai công nhân phải nhập viện vì bị bỏng do giẫm phải nước nhiễm xạ.
IAEA đã cảnh báo cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay ở Nhật Bản có thể kéo dài hàng tuần thậm chí vài tháng và đã cử thêm các nhóm chuyên gia tới Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma. Nhật Bản hiện đã tăng diện tích khu vực sơ tán quanh nhà máy hạt nhân, từ bán kính 20 lên 30km.
Ý kiến bạn đọc