Lực lượng chống chính phủ Li-bi tấn công mạnh: Liên quân và phe chống chính phủ cùng tấn công
Đài truyền hình Li-bi dẫn lời một quan chức quân sự cho biết, thủ đô Tri-pô-li và thành phố Sơ-tê (Sirte), một trong những căn cứ quan trọng và là quê hương của nhà lãnh đạo Li-bi M.Ca-đa-phi (M.Gadhafi), tiếp tục trở thành mục tiêu của các cuộc không kích mới nhất do liên quân phương Tây thực hiện.
Một phóng viên AFP có mặt tại Sơ-tê xác nhận đã nghe thấy những tiếng nổ lớn khi các máy bay chiến đấu của liên quân xuất hiện. Thành phố Sơ-tê đang đối mặt với nguy cơ bùng nổ giao tranh lớn trước sự tấn công của lực lượng chống chính phủ vào thành phố này. Thường dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em đang sơ tán khỏi Sơ-tê vì lo ngại nguy cơ thành phố tiếp tục bị không kích và bị lực lượng chống chính phủ chiếm giữ. Chính phủ Li-bi đã mời khoảng 20 nhà báo quốc tế đến Sơ-tê để tận mắt chứng kiến mức độ thiệt hại của thành phố. Trong một thông tin mới nhất, hãng tin Roi-tơ dẫn lời người phát ngôn của lực lượng chống chính phủ cho biết, họ đã kiểm soát thành phố Sơ-tê. Tại Tri-pô-li, cuộc không kích dữ dội đêm 27-3 đã gây hư hại tuyến đường nối sân bay quốc tế với khu vực lân cận thủ đô.
Một xe tăng của chính phủ Li-bi bị liên quân phá hủy. Ảnh: AFP |
Có vẻ như ưu thế trên chiến trường đang dần nghiêng về lực lượng chống chính phủ tại Li-bi khi trước đó họ đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Bin Gia-oát (Bin Jawad) cách thủ đô Tri-pô-li 525km về phía Đông. Sự “hậu thuẫn tích cực” từ các cuộc không kích của liên quân đã tạo điều kiện thuận lợi giúp lực lượng chống chính phủ nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát ở hầu hết các thành phố dầu mỏ chủ chốt ở nửa phía Đông của Li-bi như E-xơ Xai-đơ (Es Sider), Ra-xơ La-núp (Ras Lanuf), Brê-ga (Brega), Du-ây-ti-na (Zueitina), Tô-brúc (Tobruk).
Những câu hỏi khó ở Mỹ
Bộ Ngoại giao Anh vừa ra thông báo cho biết, 35 ngoại trưởng của 35 quốc gia đã xác nhận việc sẽ tham dự một hội nghị quốc tế diễn ra tại thủ đô Luân Đôn vào ngày 29-3 để thảo luận về hành động quân sự của liên quân chống lại chính quyền của nhà lãnh đạo Ca-đa-phi. Những động thái quyết liệt của phương Tây đã cho thấy quyết tâm bẻ gẫy sức mạnh quân sự của phe trung thành với chính phủ và loại bỏ bằng được nhà lãnh đạo Ca-đa-phi.
Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma (B. Obama) tiếp tục đối mặt với làn sóng chỉ trích. Một số nghị sĩ Mỹ cho rằng, việc tham gia tấn công Li-bi sẽ gây tốn kém cho Mỹ hàng tỷ USD. Trong lúc kinh tế Mỹ đang vật lộn với những khó khăn, khoản chi phí này sẽ khiến nước Mỹ không thể cáng đáng nổi. Nhiều nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Ô-ba-ma trả lời rõ một loạt câu hỏi như thời hạn kết thúc, chiến lược rút quân và kinh phí của chiến dịch quân sự tại Li-bi. Về tương lai cuộc chiến Li-bi và sự dính líu của Mỹ, ngay cả quan chức cấp cao Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng R. Ghết (R.Gates) và Ngoại trưởng H. Clin-tơn (Hillary Clinton) cũng không thể đưa ra câu trả lời chính xác. Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ABC mới đây, ông Ghết chỉ nói rằng Mỹ sẽ giảm mức độ can dự vào Li-bi, chứ không đưa ra được thời hạn cho việc kết thúc chiến dịch quân sự. Ông Ghết thừa nhận, chiến dịch quân sự có thể kéo dài trong nhiều tháng nhưng Mỹ sẽ chuyển sang vai trò hỗ trợ với các nhiệm vụ như tình báo, giám sát, do thám và tiếp nhiên liệu trên không. Ông Ghết còn cho biết trong thời gian tới, Lầu Năm Góc có kế hoạch tăng cường hỏa lực và hệ thống giám sát trên không, trong đó có việc sử dụng máy bay chiến đấu AC-130 trang bị súng máy, máy bay lên thẳng và máy bay không người lái.
Ý kiến bạn đọc