Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Syria
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 5/12 cho rằng hiện có nhu cầu cấp thiết về việc tiếp cận nhân đạo ngay lập tức với toàn bộ dân thường đang cần hỗ trợ ở Syria và quay trở lại tiến trình chính trị do LHQ bảo trợ để chấm dứt tình trạng đổ máu ở quốc gia Trung Đông này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. |
Phát biểu trước báo giới, ông Guterres cũng hối thúc “tất cả những người có ảnh hưởng thực hiện phần việc của mình vì những người dân (Syria) đang phải chịu đựng khổ đau dai dẳng”, đồng thời tuyên bố tất cả các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ dân thường.
Theo Tổng Thư ký LHQ, tình trạng leo thang xung đột ở Syria là hậu quả của “thất bại tập thể kinh niên” trong lĩnh vực ngoại giao. Ông chia sẻ: “Sau 14 năm xung đột, đã đến lúc tất cả các bên phải nghiêm túc hợp tác với ông Geir Pedersen, Đặc phái viên của tôi về Syria, để đưa ra cách tiếp cận mới, bao trùm và toàn diện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an”. Nghị quyết 2254 được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua hồi năm 2015 nhằm thiết lập lộ trình cho quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm với Tổng Thư ký LHQ Guterres. Trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhận định một giai đoạn mới “được quản lý một cách yên bình” đã đạt được trong cuộc xung đột ở Syria.
Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Erdogan nhấn mạnh với người đứng đầu LHQ rằng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad cần nhanh chóng tương tác với người dân để “khẩn trương” đạt được “giải pháp chính trị” cho cuộc nội chiến. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Ankara đang nỗ lực góp phần hạ nhiệt căng thẳng, bảo vệ dân thường và mở đường cho một giải pháp chính trị ở Syria.
Trước đó trong ngày 5/12, trước sức tiến công dữ dội của lực lượng nổi dậy tại Hama, quân đội Syria đã buộc phải tái bố trí lực lượng ở bên ngoài thành phố chiến lược này.
Về phần mình, phát biểu sau khi chiếm quyền kiểm soát thành phố Hama, thủ lĩnh phe nổi dậy Abu Mohammed al-Jolani tuyên bố lực lượng của ông sẽ “không trả thù”.
Hama có vị trí chiến lược quan trọng đối với quân đội Syria, đóng vai trò vùng đệm bảo vệ thủ đô Damascus. Những cuộc đụng độ diễn ra sau khi quân nổi dậy do các nhóm Hồi giáo dẫn đầu tiến hành chiến dịch tấn công chớp nhoáng, chỉ trong vài ngày đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ quan trọng, trong đó có thành phố lớn thứ hai ở Syria là Aleppo, từ chính quyền của Tổng thống al-Assad.
Theo Nhân Dân Điện tử
Ý kiến bạn đọc