Việt Nam tích cực tham dự WEF và thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc

16:13, 22/06/2024

Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với chủ đề "Các biên giới tăng trưởng tiếp theo" sẽ được tổ chức từ ngày 25 đến 27/6 tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc. Hơn 1.500 đại biểu là lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới sẽ thảo luận và đề xuất các giải pháp giúp mở ra các biên giới tăng trưởng tiếp theo cho kinh tế thế giới.

Trung tâm Hội nghị WEF tại Đại Liên, Trung Quốc.
Trung tâm Hội nghị WEF tại Đại Liên, Trung Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 WEF tại Davos (Thụy Sĩ) tháng 1/2024. Việc Thủ tướng tham dự diễn đàn toàn cầu có uy tín như WEF là cơ hội quý báu để Việt Nam chuyển tải thông điệp về thành tựu phát triển năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế, khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tại Hội nghị thường niên lần thứ 54 WEF Davos, Thủ tướng đã giới thiệu về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và những chính sách cụ thể mà Chính phủ sẽ triển khai trong thời gian tới để tạo môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Lãnh đạo WEF và đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao những thành tựu phục hồi, phát triển, tăng trưởng quy mô kinh tế, quy mô thương mại, cũng như quyết tâm chuyển đổi và triển vọng kinh tế của Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng.

Sau hơn 74 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả quan trọng. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước, thông qua các hình thức linh hoạt, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết, góp phần củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc tháng 10/2022. Tháng 12/2023, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược và ký kết 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Năm 2024, các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp tiếp tục diễn ra sôi động, theo nhiều hình thức linh hoạt, cả trên kênh Đảng, Nhà nước và giao lưu nhân dân.

Nổi bật trong các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước là cùng khẳng định ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược, luôn mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Trung Quốc cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, xây dựng nền kinh tế lớn mạnh, độc lập, tự chủ, thúc đẩy đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, phát triển quan hệ đối ngoại rộng mở, hữu nghị, phát huy vai trò ngày càng quan trọng hơn cho hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên thế giới và lớn nhất trong ASEAN.

Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 77,4 tỷ USD (tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 22,5 tỷ USD (tăng 11%), nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 54,9 tỷ USD (tăng 34%).

Về đầu tư, trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD với hơn 700 dự án, tăng hơn 77%, đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,17%). Trong quý I/2024, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư mới vào Việt Nam.

Theo Nhân Dân Điện tử


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin
Chiều 20/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
21/06/2024
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của Liên bang Nga, tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới trong quan hệ hai nước.
21/06/2024
Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin
Trưa 20/6, Lễ đón chính thức Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành đón Nguyên thủ quốc gia. Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Lễ đón.
20/06/2024
Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin
Ngay sau lễ đón chính thức, trưa 20/6, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước đã tiến hành hội đàm tại Phủ Chủ tịch.
20/06/2024