Liên hợp quốc kêu gọi xây dựng một trật tự toàn cầu mới
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự thế giới mới vì tất cả mọi người dân.
Tổng Thư ký Antonio Guterres nói rằng cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay đang làm gia tăng tình trạng chia rẽ. Thế giới đang đối mặt với những thách thức hiện hữu nhưng cộng đồng quốc tế lại bị phân tán và chia rẽ sâu sắc nhất trong 75 năm qua. Người đứng đầu Liên hợp quốc nêu bật sự cần thiết phải xây dựng “một trật tự thế giới mới vận hành vì tất cả mọi người dân”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. |
Theo Tổng Thư ký Guterres, nếu các quốc gia hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình theo Hiến chương Liên hợp quốc, tất cả người dân trên thế giới đều được sống trong hòa bình và phẩm giá. Tuy nhiên, nhiều chính phủ không thực hiện những cam kết này và hàng triệu dân thường đang phải trả những cái giá khủng khiếp, số người phải chạy nạn trên thế giới hiện đã tăng cao kỷ lục.
Ông Guterres cho rằng các điểm nóng xung đột cho thấy sự bế tắc trong quan hệ toàn cầu, mức độ thương vong và tính chất hủy diệt của cuộc xung đột tại Gaza thật sự gây choáng váng và ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Đề cập tới xung đột giữa Nga và Ukraine, nhà lãnh đạo Liên hợp quốc nhấn mạnh cần một nền hòa bình bền vững và công bằng cho cả Ukraine, cho Nga và thế giới.
Tổng Thư ký Guterres đề cập tới Chương trình Nghị sự mới vì Hòa bình, ý tưởng được Liên hợp quốc công bố tháng 7/2023 nhằm cập nhật hóa các hệ thống an ninh tập thể trên phạm vi toàn cầu. Ông kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tái cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân và đề cao vai trò của phát triển bền vững và hành động khí hậu trong ngăn ngừa xung đột. Chương trình nghị sự mới này sẽ được thảo luận chi tiết tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai dự kiến diễn ra tháng 9 tới tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.
Người đứng đầu Liên hợp quốc đồng thời cảnh báo sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái, tình trạng bạo lực do hận thù tôn giáo và phân biệt chủng tộc trên thế giới. Ông kêu gọi các công ty công nghệ nêu cao trách nhiệm trong việc kiểm soát các nội dung thù hận trên không gian mạng và chấm dứt việc thu lợi nhuận từ những nội dung này.
Theo Nhân Dân Điện tử
Ý kiến bạn đọc