Bảo vệ trẻ em trong thời đại công nghệ số

08:55, 26/02/2024

Xu hướng cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường học đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho rằng, bước đi này có thể giúp cải thiện khả năng học tập của học sinh, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bắt nạt qua mạng.

Bộ Giáo dục Anh vừa ban hành hướng dẫn khuyến khích các trường học cấm sử dụng điện thoại thông minh trong trường học. Theo hướng dẫn, các trường có thể tự chủ trong việc áp dụng biện pháp như yêu cầu học sinh chỉ được phép dùng điện thoại trước khi đến và sau khi rời khỏi trường, để điện thoại ở nhà, giao điện thoại cho nhà trường cất giữ hoặc để trong tủ khóa khi đến trường..., ngoại trừ một số trường hợp học sinh cần điện thoại vì lý do y tế hoặc nhu cầu giáo dục đặc biệt.

Nhiều trường học ở Mỹ hạn chế học sinh sử dụng điện thoại trong lớp.
Nhiều trường học ở Mỹ hạn chế học sinh sử dụng điện thoại trong lớp.

Học sinh vi phạm có thể bị tịch thu điện thoại. Bộ Giáo dục Anh đồng thời lưu ý, giáo viên cũng không nên sử dụng điện thoại trong trường học trừ trường hợp cần thiết phục vụ công việc.

Số liệu của Cơ quan quản lý viễn thông Anh Ofcom cho thấy, 97% số học sinh ở độ tuổi 12 ở nước này sở hữu điện thoại thông minh. Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Anh Gillian Keegan dẫn một kết quả khảo sát cho thấy, 40% số học sinh 14 tuổi thừa nhận các giờ học bị gián đoạn vì điện thoại.

Vì vậy, với các biện pháp nêu trên, Bộ Giáo dục Anh kỳ vọng, việc cấm học sinh dùng điện thoại tại trường học sẽ được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc, góp phần hạn chế tình trạng học sinh mất tập trung trong học tập, bị bắt nạt trực tuyến hoặc chịu các áp lực xã hội khác.

Hướng dẫn của Bộ Giáo dục Anh nhận được phản hồi tích cực từ phía nhiều phụ huynh học sinh. Phong trào “Tuổi thơ không điện thoại thông minh” nhận được sự hưởng ứng của hơn 4.000 phụ huynh trên khắp nước Anh, trong bối cảnh nhiều cha mẹ ngày càng lo ngại về vấn đề an toàn trực tuyến và tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của học sinh.

Anh không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố các biện pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của điện thoại thông minh đối với môi trường giáo dục. Trước đó, Chính phủ Hà Lan cũng tuyên bố cấm sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng và đồng hồ thông minh trong lớp học ở nước này từ tháng 1/2024 nhằm hạn chế sự phân tâm của học sinh. Các thiết bị chỉ được phép sử dụng trong trường hợp đặc biệt cần thiết như tại các tiết học về kỹ thuật số, vì lý do sức khỏe.

Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Hà Lan Robbert Dijkgraaf nhấn mạnh, mặc dù điện thoại di động gắn liền với cuộc sống, nhưng chúng không thuộc về lớp học khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, điện thoại thông minh khiến học sinh xao nhãng việc tiếp thu bài giảng trên lớp. Bên cạnh Anh và Hà Lan, nhiều quốc gia khác như Pháp, Italia, Bồ Đào Nha, Mỹ... cũng đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế học sinh sử dụng điện thoại thông minh tại trường học.

Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra những tác động tiêu cực nếu trẻ em tiếp xúc sớm hoặc sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều. Theo UNESCO, việc học sinh sử dụng công nghệ quá mức hoặc không phù hợp trong lớp học hoặc ở nhà, cho dù là điện thoại thông minh, máy tính bảng hay máy tính xách tay, có thể gây mất tập trung, gián đoạn và dẫn đến tác động bất lợi cho học tập.

Cơ quan này còn trích dẫn dữ liệu đánh giá quốc tế quy mô lớn cho thấy mối liên hệ tiêu cực giữa việc sử dụng quá mức công nghệ kỹ thuật số và thành tích của học sinh. Trong bối cảnh đó, UNESCO khuyến nghị các nước xem xét áp dụng lệnh cấm sử dụng điện thoại thông minh tại trường học để cải thiện khả năng học tập của học sinh, bảo vệ trẻ em khỏi nạn bắt nạt qua mạng.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định, cuộc cách mạng kỹ thuật số mang đến tiềm năng vô hạn nhưng các nước cần lưu ý cách áp dụng những công nghệ này trong giáo dục. Công nghệ nên được sử dụng hợp lý để nâng cao trải nghiệm học tập, vì lợi ích của học sinh và giáo viên.

Theo Nhân Dân Điện tử


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Jordan kêu gọi nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Gaza
Tại cuộc gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Amman, Quốc vương Jordan kêu gọi nỗ lực tối đa để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Gaza, đồng thời bảo vệ dân thường vô tội.
26/02/2024
G20 ưu tiên cải cách thể chế quản trị toàn cầu
Theo tin nước ngoài và TTXVN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại Rio de Janeiro, Brazil với nội dung thảo luận về hàng loạt vấn đề nóng như tình trạng đói nghèo, biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột trên thế giới. Hội nghị kéo dài từ ngày 21 đến 22/2.
24/02/2024
Tiếp thêm động lực cho quan hệ ASEAN-Ấn Độ
Quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ ngày một phát triển dựa trên sự chia sẻ các giá trị chung về hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Quan hệ hai bên đã được nâng lên một mức mới với việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022. Hai bên đang tích cực tạo động lực nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực ở cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN.
23/02/2024
Dấu ấn Việt Nam trong vai trò Điều phối viên G-21 tại Hội nghị Giải trừ Quân bị
Nhiều nước đánh giá Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò điều phối viên Nhóm G-21 tại Hội nghị Giải trừ Quân bị một cách “tích cực,” “có trách nhiệm,” “chuyên nghiệp” và “hiệu quả".
22/02/2024