EU tìm kiếm chiến lược ứng phó chung

10:13, 25/01/2024

Nguy cơ khủng hoảng lan rộng ở Trung Đông đang gia tăng, khi xung đột tại Dải Gaza cùng những nơi khác leo thang nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về phản ứng chung của khối để thúc đẩy hòa bình, ổn định cho khu vực lâu nay chìm trong khói lửa giao tranh này.

Tại cuộc họp Hội đồng Đối ngoại EU vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ), các quốc gia thành viên EU đã đạt thỏa thuận nguyên tắc về việc khởi động sứ mệnh phòng thủ ở Biển Đỏ.

Theo đó, khối này sẽ triển khai các tàu chiến và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bảo vệ các tàu hàng. Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh, động thái này của EU nhằm mục đích bảo vệ các tàu thương mại ở Biển Đỏ trước những cuộc tấn công của lực lượng Houthi từ Yemen.

Liên quan cuộc xung đột Israel-Hamas, EU khẳng định, tình hình tại Dải Gaza ngày càng thảm khốc và các nước cần tăng gấp đôi nỗ lực để tìm giải pháp chấm dứt cuộc đối đầu đẫm máu hiện nay.

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas vẫn bế tắc kể từ khi bùng phát cách đây hơn 3 tháng, thậm chí ngày càng lan rộng ra các khu vực khác, như Liban, Yemen, Syria... Đặc biệt, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào tàu thương mại trên Biển Đỏ, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, đang đe dọa an ninh toàn khu vực, làm đình trệ chuỗi cung ứng toàn cầu và cản trở đà phục hồi vốn mong manh của kinh tế thế giới. Khối lượng vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường quan trọng này đã giảm đáng kể do các cuộc tấn công.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) của Đức, khối lượng container được vận chuyển qua Biển Đỏ trong tháng 12/2023 đã giảm hơn một nửa và hiện thấp hơn gần 70% so với khối lượng bình thường. Những gián đoạn trong hoạt động vận chuyển hàng hóa về lâu dài chắc chắn tác động tới nền kinh tế châu Âu.

Trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas bước sang giai đoạn mới với chiến sự ngày một lan rộng, EU nỗ lực tìm chiến lược ứng phó chung. Theo trang Euractiv, EU đã soạn thảo kế hoạch cho một “giải pháp toàn diện, đáng tin cậy” về cuộc xung đột ở Trung Đông. Kế hoạch này vạch ra một loạt bước đi hướng tới hòa bình cho Dải Gaza, thành lập một nhà nước Palestine độc lập, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab. Một trong những sáng kiến của EU là thúc đẩy tổ chức hội nghị hòa bình trù bị, với sự tham gia của đại diện EU, Mỹ, Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Liên đoàn Arab và Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, theo truyền thông châu Âu, khó có thể bảo đảm rằng các quốc gia thành viên EU và các bên liên quan sẵn sàng thực hiện kế hoạch hòa bình này, nhất là trong bối cảnh EU từng mất nhiều thời gian để tìm được một lập trường thống nhất về xung đột tại Gaza.

Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 12/2023 đã không đưa ra được tuyên bố cụ thể nào về tình hình ở Gaza do những khác biệt quan điểm giữa các quốc gia có thiện cảm hơn với Palestine, như Bỉ, Tây Ban Nha và những quốc gia thân cận với Israel như Đức.

Mới đây, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn tại Dải Gaza sau khi tất cả số con tin được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời giải tán tổ chức Hamas. Nghị quyết được thông qua với 312 phiếu thuận, 131 phiếu chống và 72 phiếu trắng.

Ông Joost Hiltermann, chuyên gia từ Nhóm khủng hoảng quốc tế nhận định, những thông điệp trái ngược nhau từ EU trong thời gian qua đã làm tổn hại đến uy tín của châu Âu ở Trung Đông.

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cũng đưa ra nhận định tương tự, cho rằng EU đã mất uy tín khi không thể có quan điểm mạnh mẽ và đoàn kết hơn trong vấn đề Israel-Palestine. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định rằng, việc tìm cách xử lý cả hai cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza sẽ là một khó khăn đối với EU, khi khối này phải phân chia nguồn lực hỗ trợ.

Hàng loạt nỗ lực ngoại giao con thoi đã được giới chức EU triển khai, song việc xoa dịu vùng đất đang sục sôi căng thẳng như Trung Đông vẫn là thách thức lớn. Giữa lúc khu vực này chứng kiến những nấc thang xung đột mới, giới chuyên gia cho rằng các nước EU cần nhanh chóng khỏa lấp khác biệt, vạch ra chiến lược phản ứng chung nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống của châu Âu và toàn cầu ■

Theo Nhân Dân Điện tử


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Việt Nam nêu bật mục tiêu người dân là trung tâm tiến trình phát triển
Với chủ đề "Không để ai bị bỏ lại phía sau", Hội nghị thượng đỉnh Phương Nam lần thứ 3 của Nhóm G77 và Trung Quốc đã diễn ra tại Kampala (Uganda), trong hai ngày 21 và 22/1. Việt Nam nêu bật cách tiếp cận đặt người dân ở trung tâm của mọi tiến trình phát triển.
24/01/2024
Mỹ, Anh mở đợt tấn công mới vào lực lượng Houthi
Mỹ, Anh mở đợt tấn công mới vào lực lượng Houthi là động thái mới nhất chống lại lực lượng Houthi của Mỹ và Anh vì mục tiêu của Houthi là hoạt động vận chuyển hàng hóa có liên quan tới Israel trên Biển Đỏ.
23/01/2024
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết
Ngày 20/1, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết tại thủ đô Kampala, Uganda.
22/01/2024
Phong trào Không liên kết lan tỏa tinh thần đoàn kết và hợp tác
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá cao đóng góp quan trọng của Phong trào Không liên kết (NAM) trong gìn giữ hòa bình quốc tế, phát huy tinh thần đoàn kết trong một thế giới nhiều biến động và bất ổn. Việc hàng loạt văn kiện quan trọng được thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 19 ở Uganda đã khẳng định vị thế của NAM và quyết tâm thúc đẩy hòa bình, ổn định.
22/01/2024