Cảnh báo tình trạng băng tan tại Greenland khiến mực nước biển dâng cao
Nghiên cứu công bố ngày 7/11 trên tạp chí Nature Communications cảnh báo các thềm băng cuối cùng còn sót lại ở Bắc Greenland đã mất hơn 1/3 thể tích trong vòng bốn thập kỷ vừa qua, làm gia tăng nguy cơ mực nước biển dâng cao đáng kể.
Thềm băng là những khối băng khổng lồ kéo dài từ các sông băng trên đất liền, có vai trò quan trọng trong điều tiết dòng chảy của băng trên đất liền vào đại dương với khả năng chứa những khối băng có thể khiến mức nước biển dâng tới 2,1m. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy các thềm băng ở phía Bắc Greenland đã mất hơn 35% tổng khối lượng kể từ năm 1978, thậm chí 3 trong số các thềm băng kể trên đã sụp đổ hoàn toàn.
Những tảng băng trôi ở Baffin Bay, đảo Greenland. |
Nghiên cứu chỉ ra rằng với tình trạng ấm lên của Trái đất do ô nhiễm khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, làm gia tăng nhiệt độ các đại dương, các thềm băng chịu những tổn thương nghiêm trọng, có nguy cơ tan chảy và sụp đổ, gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến mực nước biển.
Thực tế, bản thân sự tan chảy của các thềm băng không góp phần làm mực nước biển dâng cao. Thay vào đó, các thềm băng này tồn tại như những “con đập” điều tiết việc xả băng xuống đại dương. Các "con đập" bị vỡ, tan rã có thể khiến các sông băng đổ thêm băng vào đại dương.
Sông băng ở phía Bắc Greenland vốn được xem là tương đối ổn định, khác với sông băng nhiều khu vực khác ở Greenland đã bắt đầu tan chảy từ giữa những năm 1980. Tuy nhiên, điều này dường như không còn đúng khi các nhà nghiên cứu mới đây phát hiện rằng sông băng ở phía Bắc đang tan dần. Đây là hệ quả khi các thềm băng trở nên yếu hơn và tan chảy từ bên dưới do nhiệt độ lòng đại dương tăng lên. Đáng chú ý dải băng Greenland là tác nhân chính khiến mực nước biển dâng cao toàn cầu, chiếm khoảng 17% mực nước tăng quan sát từ năm 2006 đến 2018.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đan Mạch, Pháp và Mỹ đã sử dụng hàng nghìn hình ảnh vệ tinh kết hợp với các đo đạc thực địa và mô hình khí hậu. Kết quả cho thấy các sông băng ở phía Bắc Greenland đã trở nên bất ổn trong vòng 20 năm qua khi số lượng băng tan nhiều hơn phần băng mới hình thành.
Nhà nghiên cứu chính Romain Millan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) cho biết băng đã tan đáng kể kể từ những năm 2000, điều này phù hợp với thời điểm nhiệt độ đại dương tăng cao nhằm tái tạo bản chất tự nhiên của các phần sông băng nổi thêm. Ông nhấn mạnh tình trạng mực nước biển và sự tan chảy của các thềm băng ở các cực trong tương lai phụ thuộc vào quyết định của các chính trị gia toàn thế giới nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Theo kế hoạch, lãnh đạo thế giới và các nhà đàm phán về khí hậu sẽ tham gia Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra từ ngày 30/11 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu tăng kỷ lục, gia tăng các vụ cháy rừng và thảm họa thiên nhiên ngày càng trở nên tồi tệ.
Theo Nhân Dân Điện tử
Ý kiến bạn đọc