Nan giải bài toán dân số và thiếu hụt lao động tại Nhật Bản
Đầu năm 2023, trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định, tỷ lệ sinh năm 2022 giảm xuống dưới 800 nghìn trẻ lần đầu trong lịch sử là vấn đề ưu tiên hàng đầu cần giải quyết của Chính phủ nước này. Tình trạng già hóa dân số nhanh khiến các khoản chi cho nhiều chương trình phúc lợi xã hội ở Nhật Bản tăng cao, tạo gánh nặng thiếu hụt ngân sách cho nền kinh tế thứ 3 thế giới.
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản mới đây cho biết, số người trên 80 tuổi ở nước này đã tăng thêm 270 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022, lên 12,59 triệu người và lần đầu vượt ngưỡng 10% trong tổng dân số Nhật Bản, khoảng 124,6 triệu người.
Số người trên 65 tuổi ở Nhật Bản duy trì mức cao kỷ lục là 36,23 triệu người, chiếm hơn 29% dân số, đồng nghĩa với việc Nhật Bản tiếp tục là nước có tỷ lệ người cao tuổi (trên 65 tuổi) cao nhất thế giới.
Lần đầu trong lịch sử Nhật Bản có hơn 10% số dân trên 80 tuổi. |
Cùng với đó, số người Nhật Bản trên 75 tuổi là 20,05 triệu người, chiếm 16,1% dân số, lần đầu vượt mốc 20 triệu người. Các hệ lụy như già hóa dân số, giảm lực lượng lao động và chi phí phúc lợi xã hội ngày càng tăng cao khiến đất nước Mặt trời mọc đối mặt nguy cơ mất chức năng xã hội.
Viện nghiên cứu Recruit Works dự báo, Nhật Bản có thể thiếu hơn 10 triệu lao động vào năm 2040, chủ yếu là do tỷ lệ sinh giảm cùng tình trạng già hóa dân số. Theo đó, ngoại trừ thủ đô Tokyo, tất cả các địa phương khác đều đang phải đối mặt bài toán thiếu hụt lao động.
Đáng lo ngại là có tới 18 trong số 47 tỉnh, thành phố ở Nhật Bản có tỷ lệ thiếu hụt lao động ở mức hơn 20%, thậm chí ở các tỉnh như Kyoto, Niigata và Nagano là hơn 30%. Các chuyên gia dự báo, từ nay tới năm 2040, Nhật Bản cần tăng số lượng lao động nước ngoài lên 6,74 triệu người, tăng gần 300% so với số 1,72 triệu hiện nay nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 1,24%/năm mà chính phủ nước này đặt ra.
Các chuyên gia nhận định số lượng lao động nhập cư từ các nước khác, như Campuchia và Myanmar, có thể tăng lên nhanh chóng trong hai mươi năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung lao động nước ngoài có thể sẽ thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế do hệ thống và chính sách nhập cư hiện nay, do đó Nhật Bản cần xem xét cấp thị thực dài hạn hơn.
Nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm, chính quyền thành phố Miyakonojo, tỉnh Miyagi, một địa phương miền nam Nhật Bản đã triển khai một gói chính sách táo bạo nhằm tăng số lượng các hộ gia đình đến định cư. Trọng tâm của chính sách thu hút các hộ gia đình đến định cư tại thành phố Miyakonojo là hỗ trợ 5 triệu yên (tương đương khoảng 33.500 USD) cho mỗi hộ gia đình chuyển đến từ bất kỳ địa phương nào trong cả nước và miễn phí chăm sóc trẻ em. Nhờ chủ trương này mà trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7/2023, số lượng người đến định cư tại thành phố này đã tăng mạnh, tương đương số lượng của cả năm 2022.
Thị trưởng thành phố Miyakonojo cho biết, chính sách cơ bản để đối phó với tình trạng dân số giảm là tăng dân số xã hội (tăng tỷ lệ nhập cư) và tăng dân số tự nhiên (tăng tỷ lệ sinh). Với thành công trong giai đoạn vừa qua, chính quyền thành phố dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch thu hút thêm số lượng lớn người nhập cư trong vòng 10 năm tới.
Tháng 4/2023, Nhật Bản thành lập Cơ quan trẻ em và gia đình, một phần trong những nỗ lực chưa từng có của Chính phủ đất nước mặt trời mọc nhằm tăng tỷ lệ sinh, thông qua trợ cấp cho hộ gia đình nuôi con và hỗ trợ tài chính cho người lao động nghỉ thai sản, chú trọng việc mang thai và nuôi dạy con cái, bao gồm chăm sóc sau sinh, trung tâm chăm sóc trẻ em; phân phối trợ cấp nuôi con, hỗ trợ trẻ em và gia đình gặp khó khăn.
Theo Nhân Dân Điện tử
Ý kiến bạn đọc