Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen: Nông dân Ukraine lao đao
Việc Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen - Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, đã làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu, được nhận định vừa là sự sụp đổ một sáng kiến, vừa là một đòn giáng mạnh vào thị trường lương thực thế giới. Động thái này cũng tác động tiêu cực tới nông dân Ukraine, những người đang lao đao khi lo sợ mất kế sinh nhai.
Nông dân Ukraine gặp khó khăn khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sụp đổ. |
Ukraine là một cường quốc nông nghiệp trên thị trường quốc tế, với diện tích đất canh tác chiếm hơn một nửa lãnh thổ. Vào năm 2021, nước này được xếp hạng là nhà sản xuất lúa mỳ lớn thứ bảy và nhà sản xuất ngô lớn thứ 6 trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự khởi đầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2-2022 đã dẫn đến việc phong tỏa các cảng của Ukraine dọc theo Biển Đen và Biển Azov, làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu nông sản của nước này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giá lương thực toàn cầu tăng mạnh, trong khi giá ở Ukraine giảm mạnh, chủ yếu là do chi phí hậu cần tăng cao khi người bán nông sản trong nước buộc phải chuyển sang các phương tiện vận chuyển thay thế đắt tiền hơn nhiều như xe tải và đường sắt.
Trong nỗ lực giảm bớt tình trạng này, thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã được Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian vào tháng 7-2022 với mục tiêu tạo ra một “hành lang ngũ cốc” để xuất khẩu lương thực một cách an toàn qua ba cảng Biển Đen - Odessa, Chornomorsk và Pivdennyi. Thỏa thuận đã mang lại một huyết mạch kinh tế cho cả nông dân Ukraine và các quốc gia mất an ninh lương thực bị ảnh hưởng bởi tình trạng hỗn loạn trên thị trường nông sản sau cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tính đến nay, nhờ thỏa thuận này, Ukraine đã xuất khẩu 33 triệu tấn ngũ cốc.
Tuy nhiên, việc Nga rút khỏi thỏa thuận khiến hàng triệu tấn nông sản của Ukraine một lần nữa có nguy cơ tồn đọng. "Chúng tôi có nguồn tiền dự phòng để sống trong khoảng một tháng tới, nhưng nếu không thể bán được hàng, đó sẽ là thảm họa", nông dân Ukraine Kees Huizinga nói về mối lo khi nông sản trên trang trại của mình có nguy cơ không thể tiêu thụ. Ông Kees Huizinga cho biết, trong 60.000 tấn lương thực được trồng trên đất của mình vào năm ngoái, khoảng 50.000 tấn được xuất khẩu nhờ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, song việc xuất khẩu với sản lượng tương tự là không thể nếu không có sáng kiến này.
Trang trại của Kees Huizinga trồng 7 loại nông sản, bao gồm những cây chủ lực của đất nước như lúa mạch, hướng dương... và mỗi tấn lúa mạch chỉ thu về được 100USD, bằng một nửa so với nông dân tại các nước khác ở châu Âu, trong khi chi phí vận chuyển tăng vọt. Ông Huizinga ước tính việc kinh doanh bị gián đoạn do chiến sự đã gây thiệt hại 3-6 triệu USD trong năm ngoái, và có thể mất thêm 6 triệu USD trong năm nay vì thỏa thuận ngũ cốc không được gia hạn.
Chi phí vận chuyển, hiện cao gấp 4 đến 6 lần so với trước xung đột, đã khiến việc sản xuất ngũ cốc trở nên cực kỳ đắt đỏ. Cùng với đó, chi phí nhiên liệu, phân bón và hạt giống tăng cao gây thêm khó khăn cho người nông dân khi hầu hết họ phải bán ngũ cốc với giá lỗ vốn. Andrii Vadaturskyi, Giám đốc điều hành của Nibulon, một công ty vận chuyển ngũ cốc hàng đầu của Ukraine, cho biết nông dân đang ứng phó bằng cách gieo hạt ít hơn: “Thực tế là lượng lúa mỳ đã được gieo ít hơn 40% trong năm nay và chúng tôi dự đoán ngô sẽ được gieo ít hơn 50% ở Ukraine”, ông nói, dựa trên khảo sát từ 3.000 nông dân.
Theo một đại diện của Hiệp hội Nông dân Ukraine, nông dân nước này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trước việc gieo cấy vụ xuân sắp tới, yêu cầu hỗ trợ rà phá bom mìn trên các cánh đồng và giúp giải quyết các vấn đề hậu cần. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, 90% doanh nghiệp nông nghiệp của Ukraine bị mất doanh thu và 12% đất đai đang có mìn. Đất trồng ngũ cốc của Ukraine đã giảm vào năm 2022 xuống còn 11,6 triệu hécta từ 16 triệu hécta vào năm 2021. Con số này dự kiến sẽ giảm xuống còn 10,2 triệu héc ta trong năm nay.
Với ngành Nông nghiệp Ukraine, thỏa thuận ngũ cốc là điều quan trọng để bảo đảm sinh kế cho nông dân. Carlos Mera, người đứng đầu thị trường hàng hóa nông nghiệp tại Rabobank, cho biết nếu không có Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Ukraine sẽ phải chuyển hướng xuất khẩu qua biên giới đất liền và các cảng nhỏ hơn trên sông Danube. Điều này sẽ làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận của nông dân, và khiến họ trồng ít hơn trong mùa tới, gây thêm áp lực lên nguồn cung trong tương lai.
Theo Hà Nội mới
Ý kiến bạn đọc