Châu Á hứng chịu đợt lạnh kỷ lục: Chủ động phòng ngừa và ứng phó

13:24, 28/01/2023

Trong bối cảnh hàng triệu người dân trên khắp châu Á, đặc biệt là Đông Á, đang phải “đối đầu” với một đợt lạnh giá nghiêm trọng, các chuyên gia khí hậu cảnh báo, nhiệt độ cực thấp sẽ trở thành “bình thường mới”. Giờ chính là lúc các quốc gia cần sớm có những giải pháp phòng ngừa và ứng phó...

Tuyết rơi dày tại Suwon (Hàn Quốc) trong ngày 26-1.
Tuyết rơi dày tại Suwon (Hàn Quốc) trong ngày 26-1.

Ngay những ngày đầu năm mới, Cơ quan khí tượng của Trung Quốc đã dự báo nhiệt độ giảm mạnh ở nhiều vùng, đồng thời đưa ra cảnh báo về một đợt lạnh sâu. Thành phố Mạc Hà (tỉnh Hắc Long Giang) vừa ghi nhận mức nhiệt độ thấp chưa từng có: -53 độ C trong ngày 22-1.

Nhiệt độ lạnh kỷ lục cũng được ghi nhận ở một số vùng của Nhật Bản. Tại các vùng núi và vùng duyên hải thuộc khu vực Chugoku, tuyết rơi nhiều. Thành phố Maniwa ở tỉnh Okayama ghi nhận lượng tuyết dày 93cm trong 24 giờ, tính đến 8h ngày 25-1, là mức cao nhất được ghi nhận.

Tình trạng lạnh sâu cũng diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nhiệt độ ở hầu hết các vùng của nước này dự kiến sẽ giảm xuống dưới -30 độ C. Trong khi đó, Cục Khí tượng Hàn Quốc (KMA) ngày 26-1 đã đưa ra khuyến cáo về hiện tượng tuyết rơi dày tại khu vực thủ đô Seoul cũng như các vùng lân cận. Trước đó, trong dịp Tết, nhiệt độ ở Hàn Quốc đã giảm mạnh, xuống mức trung bình từ -15 độ C đến -18 độ C.

Thời tiết cực đoan gây nhiều thiệt hại, phổ biến là làm gián đoạn hoạt động giao thông trên diện rộng. Hàng nghìn người sử dụng dịch vụ tàu hỏa địa phương ở các tỉnh Kyoto và Shiga của Nhật Bản đã buộc phải ở lại qua đêm trong các toa tàu hoặc nhà ga, trong khi nhiều chuyến tàu cao tốc giữa Fukushima và Shinjo trên tuyến Yamagata Shinkansen ở vùng Tohoku phải tạm dừng. Theo cơ quan chức năng Nhật Bản, đã có hơn 450 chuyến bay bị hủy, trong khi 490 khu vực đường cao tốc, 57 tuyến đường sắt phải dừng hoạt động riêng trong ngày 25-1.

Tại Hàn Quốc, hòn đảo nghỉ dưỡng Jeju hủy gần 500 chuyến bay đến và đi do thời tiết khắc nghiệt. Cơ quan chức năng nước này đã phải đề nghị người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng và xuất phát sớm hơn thường lệ để tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông đô thị. Đáng ngại hơn, gần 160 người đã thiệt mạng tại Afghanistan trong 2 tuần qua vì nhiệt độ xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Một số khu vực tại quốc gia Nam Á này hoàn toàn bị chia cắt do tuyết rơi dày; ít nhất 7.000 gia súc chết rét.

Trước diễn biến thời tiết đáng ngại, nhiều chuyên gia cho rằng, lạnh sâu sẽ ngày càng nghiêm trọng và trở thành “bình thường mới” ở nhiều nước châu Á. Theo Giáo sư chuyên ngành khí hậu học tại Đại học Hanyang (Hàn Quốc) Yeh Sang-wook, gió Bắc Cực từ Siberia đưa hơi nước tăng cường từ băng giá Bắc Cực tan chảy đã dẫn đến lượng tuyết nhiều bất thường ở các quốc gia phía Bắc châu Á. Trong một nghiên cứu khác, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR) cho rằng, hiện tượng chu kỳ khí hậu El Nino và La Nina ở Thái Bình Dương đang ảnh hưởng đến thời tiết toàn thế giới. Trong đó, La Nina, vốn có tác dụng làm mát nhiệt độ toàn cầu, là một nguyên nhân gây ra lạnh giá hiện nay.

Trong bối cảnh nhiệt độ thấp đang làm đảo lộn đời sống kinh tế - xã hội, việc ứng phó trở thành thách thức lớn không chỉ đối với người dân ở các quốc gia bị ảnh hưởng mà còn đối với ngay cả các hoạt động tầm quốc gia. Khó khăn càng nặng nề hơn khi nhiều nền kinh tế đang phải chật vật ứng phó với sự leo thang chóng mặt của giá nhiên liệu, tình trạng thiếu điện…

Vì thế, giờ chính là lúc các quốc gia cần sớm có những giải pháp phòng ngừa và ứng phó, như cải thiện nguồn cung năng lượng theo hướng đa dạng hóa; thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh và các giải pháp bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ người dân sưởi ấm trong những giai đoạn khó khăn…

Theo Hà Nội MớI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Củng cố sức mạnh đoàn kết

Hội nghị cấp cao Tổ chức các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC) lần thứ 7 ra Tuyên bố Buenos Aires gồm 111 điểm, trong đó nhấn mạnh mục tiêu củng cố sức mạnh đoàn kết. Tìm giải pháp thoát khỏi các cuộc khủng hoảng kinh tế, khí hậu, thúc đẩy hội nhập cũng là những mối quan tâm chung của các nhà lãnh đạo hàng đầu khu vực.


28/01/2023
WHO ra lời kêu gọi khẩn cấp liên quan đến siro ho gây nguy hiểm cho trẻ em

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 25-1 đã ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia khẩn trương xử lý và loại bỏ các loại dược phẩm không đạt tiêu chuẩn. Động thái trên được đưa ra sau khi thế giới ghi nhận hơn 300 trẻ nhỏ tử vong tại nhiều quốc gia do sử dụng các loại siro ho.


27/01/2023
Nhiều nước châu Á hứng chịu đợt lạnh kỷ lục
Cơ quan Khí tượng quốc gia Hàn Quốc (KMA) đã đưa ra các cảnh báo về đợt lạnh nhất trong năm đối với hầu hết các vùng trên toàn quốc. Theo KMA, mặc dù nhiệt độ ở Seoul sáng 24/1 ghi nhận ở mức âm 180C, song do có gió to cho nên độ lạnh cảm nhận trên thực tế lên tới âm 280C. Thời tiết giá rét ở đảo Jeju và vùng Honam sẽ tiếp tục kéo dài trong suốt tuần này.
25/01/2023
Châu Á tưng bừng đón Tết Nguyên đán 2023
Tháp Tokyo - biểu tượng tại thủ đô Nhật Bản được thắp sáng một mầu đỏ rực vào đêm giao thừa để chào mừng Tết Nguyên đán 2023. Thời điểm tòa tháp biểu tượng được thắp sáng, hơn 2.000 quả bóng bay cũng được thả lên bầu trời, gửi đi những lời chúc năm mới tới toàn thế giới. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda đã gửi video chúc mừng Tết Nguyên đán tới toàn thể người dân một năm mới mạnh khỏe, hòa bình và thịnh vượng.
24/01/2023