18:00, 22/07/2022
BHG - Cùng với Việt Nam, Mexico là một trong 11 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Mexico có tên gọi chính thức là Hợp chủng quốc Mexico, đứng thứ 14 thế giới về diện tích (1,9 triệu km2), biên giới giáp với Hoa Kỳ, Guatemala, Belize, phần còn lại giáp với Thái Bình Dương và Vịnh Mexico. Dân số 123,5 triệu người, 97% nói tiếng Tây Ban Nha, là nước có số người nói tiếng Tây Ban Nha đông nhất thế giới. Số dân còn lại sử dụng tiếng Anh và các ngôn ngữ bản địa. Điều đặc biệt ở đây là các ngôn ngữ đều bình đẳng, không có khái niệm ngôn ngữ chính thức hoặc duy nhất. Hiến pháp ghi rõ: Mexico là quốc gia đa sắc tộc.
Lịch sử Mexico có điểm chung với nhiều miền đất ở Mỹ La tinh. Năm 1519, đế quốc Tây Ban Nha xâm lược quê hương của người da đỏ (gọi chung là Indio), tiến hành tàn sát đẫm máu, rồi chiếm đất, cướp tài nguyên của dân bản địa. Chế độ thuộc địa ở Mexico kéo dài 300 năm, mãi tới năm 1810 mới có tuyên bố độc lập. Sau đó, chiến tranh nổ ra, đến năm 1821 nền độc lập được vãn hồi. Với “hòa ước” Goadalupe – Hidalgo (năm 1848), Mexico mất tới 1/3 diện tích cho Hoa Kỳ.
Hiến pháp năm 1917 quy định Hợp chủng quốc Mexico là nước cộng hòa dân chủ đại diện theo chế độ tổng thống, có 3 nhánh quyền lực: Lập pháp, hành pháp, tư pháp. Về tôn giáo, 83% số người dân Mexico theo Công giáo La Mã. Nền kinh tế Mexico lớn thứ 15 thế giới, mức thu nhập của người dân vào hàng cao nhất Mỹ La tinh (tuy còn kém xa so với Canada, Hoa Kỳ). Mexico là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do khu vực Bắc Mỹ. Xuất khẩu dầu hỏa đem lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế nước này.
Mexico có vị trí quan trọng cho sự phát triển về văn hóa bằng tiếng Tây Ban Nha ở Mỹ La tinh. Nhà thơ Octavio Paz đã được trao giải thưởng Nobel về văn học (1990). Nền giáo dục khá phát triển. Trẻ em được dạy thuộc lòng câu nói: Ai nổi nóng, người ấy thua cuộc!
Trong quan hệ quốc tế, Mexico giữ quan điểm độc lập, duy trì quan hệ ngoại giao với Cuba, Nicaragua cùng các chính phủ cánh tả Mỹ La tinh.
Còn nhớ, nhà yêu nước Fidel Castro của Cuba đã gặp người bạn chiến đấu thân thiết Che Guevara cùng các đồng chí của mình ở Mexico. Họ mua sắm vũ khí, phương tiện vượt biển… rồi trở về tấn công pháo đài Moncada (tỉnh Oriente, 1953), mở đầu cho thắng lợi của cách mạng Cuba.
Việt Nam và Mexico thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4 năm 1975. Trước Cách mạng tháng Tám, tên gọi của nhiều nước được gọi theo phiên âm tiếng Hán: Mê-tây-cơ (Mexico), Á-căng-đình (Achentina), Củ-pa (Cuba)…
Tư liệu lịch sử cho hay: Cụ Trần Thiện Khiêm (1821 – 1866), quê ở Phú Thọ, là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới châu Mỹ, từng gặp gỡ, hợp tác làm ăn với dân Mexico trong việc đi tìm vàng ở miền đất mới khi vùng California trở thành bang thứ 31 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Mexico đã cử các đoàn sang thăm hữu nghị qua lại, ký kết hợp tác kinh tế. Trong đó, có chuyến thăm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (2011); Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto thăm chính thức Việt Nam, dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng (2017). Phía Mexico thông báo cho biết: Ở thủ đô Mexico City có bức tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việt Nam và Mexico có nhiều tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực: Thương mại, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế tạo – chế biến, năng lượng, dầu khí, khai thác mỏ, sinh học.
TS Chu Huy Sơn (Ủy viên BCH Hội hữu nghị Việt Nam – Chile và Hội hữu nghị Việt Nam – Venezuela)
Ý kiến bạn đọc