Đối ngoại nâng vị thế, uy tín Hà Giang trên trường quốc tế - Kỳ 2: Quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư
BHG - Tăng cường hợp tác, quảng bá hình ảnh Hà Giang đến bạn bè quốc tế và thu hút đầu tư, huy động nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển KT-XH của địa phương là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược ngoại giao của tỉnh.
Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lộc Tâm Xã chào mừng Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Đoàn đại biểu tỉnh ta đến Quảng Tây. (Ảnh: Tư liệu) |
Hiệu quả nguồn vốn Phi Chính phủ nước ngoài
Quản Bạ là huyện biên giới của tỉnh, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2016, Tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN) ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) bắt đầu chương trình hợp tác đầu tư tại đây với các chương trình, dự án về giảm nghèo, nước sạch, bình đẳng giới, sinh kế cho phụ nữ, tiếp cận giáo dục chất lượng cho trẻ em, xóa mù chữ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Sèn Thăng Long cho biết: “Các hoạt động của AAV được triển khai trên địa bàn huyện là những hoạt động thiết thực, được lựa chọn dựa vào nhu cầu và khảo sát cụ thể tại cộng đồng. Kết quả của từng hoạt động góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững, nâng cao trình độ dân trí và phát triển KT-XH tại địa phương”.
Đại diện Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Giang. (Ảnh: TƯ LIỆU) |
Cùng với AAV, tổ chức Plan International đã có 15 năm hoạt động tại Hà Giang. Đây là một trong những tổ chức PCPNN triển khai nhiều hoạt động tại tỉnh với số tiền tài trợ lên đến hơn 500 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2026, tổ chức Plan và UBND tỉnh ký kết Thỏa thuận hợp tác với giá trị cam kết hỗ trợ địa phương 5 triệu USD, tương đương 116 tỷ đồng để triển khai các dự án, chương trình thuộc lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, an sinh xã hội, phụ nữ, trẻ em, người DTTS. Đặc biệt, đồng hành cùng đồng bào DTTS vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã có những dự án hỗ trợ kịp thời cho nhân dân các huyện vùng cao của tỉnh. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP, cho biết: Qua khảo sát tại tỉnh Hà Giang cho thấy, dịch Covid-19 khiến các HTX do đồng bào DTTS làm chủ bị giảm doanh thu từ 50 - 80% và giảm thu nhập của hộ từ 50 - 60%. Những tác động này rơi vào số hộ nghèo và dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Hà Giang, trong đó có phụ nữ DTTS. Để ứng phó với tác động của đại dịch, UNDP đã tài trợ không hoàn lại số tiền trên 170.000 USD (tương đương gần 4 tỷ đồng) cho Hà Giang thực hiện 2 dự án: “Không để lại ai phía sau trong ứng phó và phục hồi đại dịch Covid-19” và “Thúc đẩy an ninh con người – Không để ai lại phía sau thông qua ứng phó tổng hợp với Covid-19 tại Việt Nam”.
Cắt băng khánh thành đường giao thông nông thôn tại xã Ngam La (Yên Minh) do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam tài trợ. (Ảnh: TƯ LIỆU) |
Nhờ các nỗ lực thu hút nguồn vốn PCPNN, đến nay Hà Giang có 39 tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động, trong đó có 20 tổ chức hoạt động thường xuyên. Tính đến hết năm 2021, tỉnh đàm phán, ký kết và triển khai 85 thỏa thuận, biên bản hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm như: Giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, cải thiện y tế, giáo dục, bảo trợ trẻ em, phụ nữ, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường sinh kế cho người DTTS. Đồng thời, tiếp nhận và triển khai 242 chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại với kinh phí thực hiện trên 423 tỷ đồng; tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại nước ngoài hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 trị giá trên 49 tỷ đồng.
Hiện nay, 100% các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh được đánh giá xếp loại khá, tốt; nhiều mô hình, dự án hiệu quả được nhân rộng. Đặc biệt, cơ chế hỗ trợ chuyển biến tích cực từ “hỗ trợ, cho không” sang “hợp tác cùng phát triển”, phát huy tính năng động, ý thức trách nhiệm của địa phương và cộng đồng. Đồng chí Nguyễn Văn Doanh, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong chuyến công tác tại Hà Giang đã khẳng định: “Trong bối cảnh nguồn viện trợ PCPNN cho Việt Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Hà Giang vẫn tiếp tục duy trì và tăng về số lượng, giá trị viện trợ, là một “điểm sáng” trong công tác thu hút đầu tư, vận động viện trợ của cả nước”.
Quảng bá hình ảnh, mở rộng quan hệ hợp tác
Ngoài quan hệ hợp tác toàn diện với các địa phương của Trung Quốc, Hà Giang đã chủ động mở rộng và thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị với nhiều địa phương nước ngoài, như: Thiết lập quan hệ hợp tác với thành phố Moriya, tỉnh Ibaraki (Nhật Bản); kết nghĩa và hợp tác với tỉnh Benguet, Philippines và quận Boeun, tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc). Xây dựng chương trình làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với Đại sứ quán, địa phương các nước: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Ailen, Pháp, Đức, Azerbaijan, Nhật Bản, Philippines...
Thông qua Bộ Ngoại giao, tỉnh ta thường xuyên giữ mối liên hệ, tăng cường kết nối, thông tin với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, liên Chính phủ, tổ chức PCPNN như: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tổ chức Plan, Caritas (Thụy Sỹ); LOAN-Stiftung; Good Neibought International (Hàn Quốc); Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Úc); Founa Foudation International (FFI); Vision Care... Từ năm 2015 đến nay, tổng nguồn vốn ODA thông qua các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.800 tỷ đồng.
Thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam, tỉnh Hà Giang tích cực quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa, các cơ hội, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến bạn bè quốc tế thông qua các hoạt động chính trị, hội nghị, hội đàm trực tuyến và xúc tiến, quảng bá du lịch. Đặc biệt, tỉnh chú trọng giới thiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn với các đoàn Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài đến thăm và làm việc tại Hà Giang, xây dựng thương hiệu quà tặng đối ngoại của tỉnh mang tính đặc trưng, độc đáo từ các sản phẩm truyền thống dân tộc.
Các hoạt động quảng bá hình ảnh của tỉnh được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú. Hà Giang tích cực tham dự các chương trình giới thiệu, quảng bá về địa phương do các cơ quan T.Ư tổ chức ở nước ngoài và thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tại các sự kiện, như: Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU 132; Liên hoan ẩm thực ASEAN và các nước; biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong chuyến thăm và làm việc của Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tại Hà Giang; phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tổ chức chương trình khám phá, trải nghiệm Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nhân dịp đoàn thăm và làm việc tại Hà Giang; tổ chức Hội nghị “Giới thiệu Hà Giang năm 2018”, Hội thảo Liên kết vùng trong phát triển kinh tế du lịch Hà Giang và các tỉnh Đông – Tây Bắc; tổ chức các đoàn xúc tiến, quảng bá về du lịch tại Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc; giới thiệu sản phẩm dệt Lanh Lùng Tám, mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết Hà Giang tại Hội chợ Noel mùa Đông năm 2016 do Tòa thị chính Madrid, Tây Ban Nha tổ chức; trưng bày hình ảnh giới thiệu về Hà Giang tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Thông qua các hoạt động trên góp phần quan trọng quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và ưu đãi về cơ chế, chính sách của tỉnh với các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài để thu hút đầu tư. Hình ảnh một Hà Giang kỳ vĩ, thơ mộng, mến khách và nhiều tiềm năng phát triển in đậm dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế.
BIỆN LUÂN - THU PHƯƠNG và LÊ HẢI
Kỳ cuối: Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh, chuyên nghiệp.
Ý kiến bạn đọc