Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ dọa rút khỏi NATO nếu liên minh kết nạp Thụy Điển và Phần Lan

07:41, 26/05/2022

Ngày 25/5, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với vấn đề kết nạp hai nước Thụy Điển và Phần Lan và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

 

Thổ Nhĩ Kỳ kiên định với lập trường phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ kiên định với lập trường phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Trang mạng Pravda.ru đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này sẽ nêu vấn đề rút khỏi NATO nếu liên minh không đáp ứng các đòi hỏi của Ankara đối với việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.

Theo hãng thông tấn Anadolu, tuyên bố này được thủ lĩnh Đảng Phong trào Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, ông Devlet Bahceli, đưa ra. Ông Devlet Bahceli tuyên bố hoàn toàn ủng hộ lập trường của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về vấn đề Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO.

Ông cáo buộc hai nước Bắc Âu này hỗ trợ tài chính cho các tổ chức bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố, đồng thời coi việc chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan là hành động thỏa thuận với "kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ". Quan chức này cũng đề nghị thành lập một liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và với các nhà nước Hồi giáo, coi đó là sự thay thế cho NATO.

Theo báo Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 24/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng một lần nữa thể hiện phản ứng gay gắt trong NATO. Trên thực tế, phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan là do sự thay đổi trong chính sách của phương Tây đối với Ankara.

Tuyên bố của Tổng thống Erdogan rất cứng rắn. Ông đổ lỗi cho một số quốc gia đã rút hệ thống phòng không của họ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và viện trợ vũ khí miễn phí cho "những kẻ khủng bố", ám chỉ đến Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và lực lượng ủy nhiệm Syria. Ông Erdogan cũng nêu ra danh sách các vấn đề vướng mắc trong mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và châu Âu.

Tổng thống Erdogan cho rằng, trong khi công dân Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn trong việc xin thị thực vào Mỹ và EU, thì "những kẻ khủng bố" lại dễ dàng xin tị nạn ở Mỹ và EU, đồng thời nêu rõ sự hiểu lầm về quan điểm của Ankara trong cuộc chiến Karabakh năm 2020, cũng như các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Libya.

Nezavisimaya Gazeta cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã ra "tối hậu thư" cho các đồng minh NATO, bằng cách khẳng định không thể áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Ankara cũng như không thiên vị trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Do đó, cho đến khi có bất kỳ hành động cụ thể nào được thực hiện, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không từ bỏ quyền phủ quyết đối với việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO.

Dù vậy, giới phân tích nhận định Thổ Nhĩ Kỳ chưa hẳn đã đóng sập cánh cửa gia nhập NATO đối với Thụy Điển và Phần Lan. Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/5 khẳng định sẽ chỉ có thể đạt được tiến triển trong nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển nếu Helsinki và Stockholm triển khai các bước đi cụ thể nhằm giải quyết những quan ngại an ninh của Ankara.

Theo Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin - Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Recep Erdogan, đã điện đàm với những người đồng cấp của 2 quốc gia Bắc Âu nêu trên, cùng các quan chức Đức, Anh và Mỹ để thảo luận về chính sách mở rộng NATO. Trong cuộc điện đàm, phía Ankara nhấn mạnh nếu những kỳ vọng của Ankara được đáp ứng, “quá trình này có thể đạt tiến triển”.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lạc quan về triển vọng thành công trong nỗ lực của Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, bất chấp những tuyên bố phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng trong khối.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sulliavan cho biết phía Mỹ đang giao thiệp với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực giải tỏa những lo ngại an ninh của Ankara. Ông chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng Phần Lan và Thụy Điển cuối cùng sẽ có được tiến trình gia nhập hiệu quả, trong khi các quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ được giải tỏa”.

Theo Baotintuc.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thế giới nỗ lực giảm giá dầu
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) vừa đưa ra thông điệp về việc sẵn sàng tăng sản lượng dầu, trong khi Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật chống độc quyền về dầu mỏ. Với việc nhu cầu dầu giảm vì kinh tế khó khăn và những nỗ lực nêu trên, giới phân tích đang hy vọng giá dầu sẽ giảm trong thời gian tới.
25/05/2022
Việt Nam đưa ra nhiều đề xuất quan trọng tại Hội nghị WEF Davos 2022
Việt Nam đã chia sẻ định hướng xây dựng một nền nông nghiệp carbon thấp, “xanh-sinh thái-bền vững," xoay quanh ba trụ cột: "nông nghiệp sinh thái," "nông thôn hiện đại," "nông dân thông minh."
24/05/2022
Tăng cường toàn diện liên minh Mỹ - Hàn Quốc
“Mối quan hệ đồng hành Hàn Quốc - Mỹ sẽ được nâng lên một tầm cao mới”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định như vậy sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Yoon Suk Yeol ngày 21-5 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của nhà lãnh đạo Mỹ. Tổng thống J.Biden đã dành 3 ngày công du tới quốc gia Đông Bắc Á này để tăng cường toàn diện liên minh Mỹ - Hàn, đồng thời đối phó với các thách thức của khu vực và toàn cầu.
23/05/2022
Nỗ lực ngăn khủng hoảng lương thực toàn cầu
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dư âm của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, những ngày gần đây, nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới đã nhóm họp, tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề này. Đây được cho là những động thái nhằm giúp thế giới giảm bớt nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện.
22/05/2022