Hệ lụy từ hội chứng Covid kéo dài
Hầu hết những người mắc hội chứng Covid kéo dài (Long Covid) bị suy giảm chất lượng cuộc sống trong suốt 15 tháng kể từ sau khi mắc bệnh. Đại dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, nhưng những hệ lụy dai dẳng và nặng nề vẫn cản trở người dân quay lại với nhịp sống bình thường, đe dọa kéo lùi thành tựu phục hồi kinh tế.
Covid-19 gây hội chứng "sương mù não" sau khi hồi phục |
Tim đập nhanh mỗi khi đứng dậy, thường xuyên cảm thấy kiệt sức và nhức đầu là những triệu chứng mà một nữ sinh cấp 3 tại tỉnh Kanagawa của Nhật Bản gặp phải kể từ khi cô mắc Covid-19 hồi tháng 4 năm ngoái. Chia sẻ với tờ Asahi Shimbun, nữ sinh này cho biết, cô cảm thấy bức bối và luôn tự hỏi rằng: "Tại sao những triệu chứng khủng khiếp này lại xảy ra với mình?". Tình trạng sức khỏe giảm sút khiến cô không thể tiếp tục hoạt động trong các câu lạc bộ trường học.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều người mắc hội chứng Covid kéo dài, khiến công việc và cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo bác sĩ Koichi Hirahata ở thủ đô Tokyo, các bệnh nhân của ông phải nghỉ ngơi trong nhiều ngày do chịu ảnh hưởng của hội chứng Covid kéo dài, trong đó, những người trẻ tuổi chiếm số lượng đáng kể.
Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu về những trường hợp mắc hội chứng Covid kéo dài. Kết quả cho thấy, hầu hết các bệnh nhân trong số này gặp phải triệu chứng sương mù não, tê bì chân tay, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt, ù tai và mệt mỏi trong khoảng thời gian trung bình là 15 tháng sau khi mắc Covid-19. Đây là minh chứng cho thấy, với những di chứng dai dẳng đối với nhiều hệ cơ quan của cơ thể con người, hội chứng Covid kéo dài thật sự là mối đe dọa cho y tế toàn cầu ẩn phía sau đại dịch. Những người mắc bệnh còn có thể gặp vấn đề về tâm lý, rơi vào trầm cảm.
Giữa lúc các ngành kinh tế sẵn sàng đón "luồng sinh khí" mới để đẩy nhanh guồng quay phục hồi và phát triển, nhiều quốc gia lại đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động. Theo Viện Phát triển nhân lực Anh (CIPD), 25% số nhà tuyển dụng được hỏi cho biết, Covid kéo dài là một trong những nguyên nhân chính khiến nhân viên của họ phải nghỉ ốm dài hạn. Ngành hàng không của Anh chật vật tìm cách bù đắp lỗ hổng về nhân lực vào hồi tháng 4 vừa qua.
Ở thời điểm đó, các hãng hàng không như British Airways và easyJet phải hủy hàng chục chuyến bay do nhiều nhân viên nghỉ việc vì mắc Covid-19. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định, dịch Covid-19 tiếp tục gây ra tình trạng mất việc làm nghiêm trọng trên khắp thế giới và có thể phải mất tới vài năm để mức tuyển dụng trở lại như trước đại dịch. Theo ILO, số giờ làm việc trên toàn cầu năm 2022 ước tính sẽ giảm 2% so với năm 2019, tương đương thế giới sẽ mất 52 triệu việc làm.
Hiện các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm lời giải về di chứng hậu Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi hội chứng Covid kéo dài là một trong những "góc khuất" của đại dịch, cần được đào sâu tìm hiểu và nghiên cứu. Thực tế chỉ ra rằng, khi càng có nhiều người tiêm phòng thì những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra càng giảm, trong đó bao gồm ảnh hưởng của hội chứng Covid kéo dài.
Theo các nhà khoa học Mỹ, tiêm vắc-xin giúp giảm khoảng 15% nguy cơ mắc hội chứng Covid kéo dài. Tuy nhiên, việc điều trị cho những người mắc hội chứng này còn gặp nhiều khó khăn do các dữ liệu về nguyên nhân dẫn tới hội chứng ở thời điểm hiện tại chưa đầy đủ. Trước mắt, để giải quyết nguy cơ "khát" nhân lực trên thị trường và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh đề ra một kế hoạch hành động quốc gia về hội chứng Covid kéo dài.
Việc không nhìn nhận đúng và đầy đủ về hội chứng Covid kéo dài sẽ dẫn tới thiếu sót trong khâu điều trị, đe dọa hao tổn nguồn nhân lực và "phủ bóng đen" lên triển vọng phục hồi toàn cầu. Bởi vậy, các hệ thống y tế phải khẩn trương xây dựng lộ trình điều trị hợp lý và toàn diện, giúp giảm ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Theo nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc