Khuyến cáo về các triệu chứng hậu Covid-19
Mô hình 3D của virus corona. |
Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Janet Diaz nhận định, đa số các triệu chứng hậu Covid-19 thường kéo dài từ hai tháng trở lên.
TTXVN dẫn bài viết của Tiến sĩ Diaz trên tạp chí Times of India nêu rõ, nếu các triệu chứng biến mất trong vòng một tháng, tình trạng này không được coi là hậu Covid-19. Trong khi đó, có khoảng 200 triệu chứng bệnh xuất hiện ở giai đoạn này và phổ biến nhất là ba triệu chứng mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức dẫn tới tình trạng "sương mù não", gây suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung.
Theo chuyên gia của WHO, hiện không có bất kỳ loại thuốc nào để điều trị biến chứng hậu Covid-19 nhưng có các biện pháp can thiệp như phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống… Ngoài ra, những người từng mắc Covid-19 nên hạn chế vận động, làm việc quá sức nếu còn mệt mỏi hoặc gặp tình trạng "sương mù não", cần đi khám sức khỏe nếu gặp phải các triệu chứng hậu Covid-19 sau ba tháng nhiễm bệnh, hay còn gọi là tình trạng Covid kéo dài.
Một nghiên cứu của Đại học Birmingham (Anh) cảnh báo, các triệu chứng hậu Covid-19 khiến người bệnh tìm đến những phương pháp điều trị đắt tiền, song không có căn cứ khoa học trên internet và thậm chí nguy hiểm tính mạng. Giới chuyên môn cho biết, có những phương pháp đơn giản, ít tốn kém và an toàn mà mọi người đều có thể thực hiện để cải thiện tình trạng "sương mù não", như chơi đố chữ, học ngôn ngữ mới… nhằm tăng cường các hoạt động kích thích nhận thức. Ngoài ra, cần tăng tương tác xã hội và hạn chế tình trạng căng thẳng thần kinh.
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số trường hợp nhập viện vì Covid-19 ở Mỹ trong sáu tuần qua đã giảm tới 80% so với mức đỉnh vào giữa tháng 1 vừa qua, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Các quy định về khẩu trang, giấy chứng nhận tiêm phòng Covid-19 và các biện pháp hạn chế khác dần được dỡ bỏ. Tuy vậy, các nhà dịch tễ học cảnh báo không nên vội cho rằng đại dịch đã kết thúc khi nguy cơ bùng phát một biến thể mới vẫn hiện hữu.
Tổng Giám đốc WHO cũng nhận định đại dịch chưa thể chấm dứt và có thể còn kéo dài. Khi virus gây bệnh biến đổi, các nước trên thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ vaccine, tiến hành xét nghiệm và điều trị. Người đứng đầu WHO cảnh báo, tỷ lệ xét nghiệm giảm mạnh gần đây có thể khiến nhà chức trách đánh giá sai về diễn biến dịch bệnh.
Các chuyên gia y tế cộng đồng thuộc WHO đã khởi động thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch Covid-19, dấu mốc quan trọng sau hơn hai năm đại dịch bùng phát và hoành hành trên thế giới.
Tuy nhiên, WHO thừa nhận ở thời điểm hiện tại, thế giới "chưa đạt đến mức đó". Các nhà nghiên cứu cảnh báo, ngay cả khi các trường hợp mắc Covid-19 giảm xuống mức thấp hơn, dịch bệnh này vẫn có khả năng gây ra hàng nghìn ca tử vong mỗi năm.
Theo nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc