Hàn Quốc dẫn đầu thế giới số ca nhiễm mới hàng ngày, Trung Quốc đang trải qua làn sóng dịch tồi tệ nhất
Tính đến sáng 31/3, thế giới đã ghi nhận hơn 486 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 6,15 triệu trường hợp tử vong.
Tại châu Á, số ca mắc COVID-19 đã vượt mức 100 triệu ca vào ngày 30/3, trong bối cảnh khu vực này đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, với biến thể phụ BA.2 của Omicron là biến thể chủ đạo. Phân tích của hãng tin Reuters cho thấy cứ 2 ngày, châu Á lại ghi nhận thêm 1 triệu ca mắc COVID-19. Châu Á hiện chiếm tới 21% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Trong những tuần qua, biến thể phụ BA.2 đã khiến số ca nhiễm tăng mạnh tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc... Theo Tổ chức Y tế thế giới, BA.2 hiện chiếm gần 86% số ca nhiễm đã được giải trình tự gene.
Người dân xếp hàng đợi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một trung tâm xét nghiệm tạm thời ở Seoul, Hàn Quốc ngày 6/3 |
Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày khi chiếm 25% số ca nhiễm mới theo ngày trên toàn cầu. Dù số ca nhiễm đã dẫn ổn định so với thời điểm đầu tháng 3, trung bình Hàn Quốc vẫn ghi nhận trên 300 ca tử vong do COVID-19/ngày, khiến nhà chức trách phải yêu cầu các cơ sở hỏa táng kéo dài thời gian làm việc.
Tương tự, Trung Quốc đang trải qua làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này. Chính quyền thành phố Thượng Hải, Trung Quốc ngày 30/3 đã mở rộng lệnh phong tỏa ra một số quận phía Tây thành phố sớm hơn dự kiến, trong bối cảnh thành phố này hôm nay ghi nhận gần 6 nghìn ca mắc mới COVID-19. Quận Mẫn Hàng ở phía Tây Nam thành phố thông báo sẽ tạm ngừng dịch vụ xe buýt công cộng cho tới ngày 5/4. Nhiều cư dân sống tại các quận phía Tây thành phố cũng nhận được thông báo không được rời khỏi nhà trong 7 ngày tới.
Người dân xếp hàng đợi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một trung tâm xét nghiệm tạm thời ở Seoul, Hàn Quốc ngày 6/3 - Ảnh: Yonhap
Trước đó, các quận phía Đông Thượng Hải dọc theo sông Hoàng Phố đã áp lệnh phong tỏa từ ngày 28/3. Chính quyền Thượng Hải cho biết những người từ chối làm xét nghiệm COVID-19 có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đồng thời, sẽ trừng phạt bất cứ ai nâng giá lương thực và các mặt hàng y tế sau khi người dân đổ xô tích trữ vì bị phong tỏa.
Biến thể "Omicron tàng hình" có khả năng lây nhiễm cao hơn 30% so với biến thể BA.1 của Omicron. |
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo, biến thể phụ BA.2 của Omicron đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ do có khả năng lây nhiễm nhanh. Tuy nhiên, theo cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, không có khả năng nước này sẽ phải chứng kiến làn sóng dịch bệnh mới gia tăng trở lại.
CDC Mỹ cho biết, trong tuần kết thúc ngày 26/3, BA.2 chiếm 54,9% số ca nhiễm mới tại Mỹ, tăng so với tỷ lệ 39% ghi nhận trong tuần trước đó. Theo các nghiên cứu ban đầu, biến thể "Omicron tàng hình" có khả năng lây nhiễm cao hơn 30% so với biến thể BA.1 của Omicron. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, CDC Mỹ đã khuyến cáo người có hệ miễn dịch suy yếu và người trên 50 tuổi cần tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư trong ít nhất 4 tháng sau mũi tiêm thứ ba.
Biến thể "Omicron tàng hình" có khả năng lây nhiễm cao hơn 30% so với biến thể BA.1 của Omicron.
Trước đó, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cũng đã khuyến nghị tiêm mũi thứ tư vaccine của hãng Pfizer/BioNTech hoăc Moderna cho cùng nhóm đối tượng này. Riêng với người đã tiêm mũi 1 và mũi tăng cường vaccine Janssen của hãng Johnson & Johnson, CDC Mỹ khuyến nghị trong 4 tháng sau mũi tiêm tăng cường, có thể tiêm mũi 2 tăng cường bằng vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA.
Theo CDC Mỹ, vaccine đã phát huy hiệu quả trong suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát do biến thể Omicron gần đây, giúp người đã tiêm mũi tăng cường giảm nguy cơ tử vong tới 21 lần và giảm nguy cơ nhập viện điều trị tới 7 lần so với người không tiêm chủng.
Trong vài tuần qua, Mỹ đã dỡ bỏ rất nhiều các biện pháp hạn chế để phòng dịch sau khi một loạt các nước châu Âu thực hiện nới lỏng biện pháp. Cũng giống như New York, nhiều thành phố của Mỹ như Los Angeles và thủ đô Washington, đã quyết định bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng khi tham gia các hoạt động tại một số địa điểm công cộng. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nới lỏng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nhiều nơi như trụ sở cơ quan công quyền, không gian kín tại các công viên quốc gia. Tuy nhiên, quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn được áp dụng đối với hành khách đi máy bay, tại sân bay và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Ngày 30/3, chính quyền 21 bang đã tìm cách hủy bỏ quy định này khi đệ đơn lên một tòa án Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ.
Theo vtv.vn
Ý kiến bạn đọc