Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 25/3 cho biết nước này dự kiến cắt giảm một nửa lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào mùa hè và gần như chấm dứt nhập khẩu dầu của Moskva vào cuối năm nay.
"Chúng tôi cùng các bên liên quan đã rất nỗ lực trong những tuần gần đây để nhập ít năng lượng từ Nga hơn và mở rộng nguồn cung", ông Habeck nói trong cuộc họp báo tại Berlin.
Theo Phó thủ tướng Habeck, Đức có thể giảm một nửa nhu cầu sử dụng than đá Nga "trong những tuần tới". Ông ước tính Đức sẽ không còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga vào giữa năm 2024, nếu mọi chuyện thuận lợi.
Habeck khẳng định quá trình cắt giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga "đang diễn ra với tốc độ không thể tưởng tượng nổi". "Mỗi hợp đồng cung ứng khí đốt bị chấm dứt đều gây tổn thất cho ông Putin", Phó thủ tướng Đức nói thêm.
Phó thủ tướng Đức Robert Habeck tại Paris, Pháp, hôm 7/2. Ảnh: Reuters. |
Khí đốt từ Nga, được chuyển tới Đức qua các đường ống cố định, sẽ là nguồn cung năng lượng mà Berlin khó loại bỏ nhất. Đức hiện nhập khẩu 55% khí đốt của Nga. Một nửa lượng than của Đức cũng mua từ Nga, nhưng gần đây Berlin đã tìm thêm nhiều nguồn cung khác.
Trong khi Mỹ và một số nước Đông Âu trong NATO kêu gọi tẩy chay năng lượng Nga ngay lập tức để phản ứng với chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức và một số nước khác vẫn e dè, cho rằng quyết định như vậy gây thiệt hại quá lớn về kinh tế.
"Ngay cả khi chúng ta độc lập hơn với nguồn nhập khẩu dầu khí từ Nga, vẫn còn quá sớm để áp lệnh cấm vận năng lượng vào thời điểm này. Hậu quả kinh tế và xã hội vẫn quá nặng nề", ông Habeck nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Đức khẳng định nước này "vẫn còn chặng đường dài phía trước" và chỉ có thể độc lập với khí đốt từ Nga nếu toàn bộ chính phủ liên bang, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các hộ gia đình cùng đồng lòng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi đầu tuần cũng cảnh báo việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga quá vội vã có thể khiến hàng trăm nghìn người thất nghiệp và gây ra suy thoái kinh tế.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hôm 25/3 ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu, khi khu vực này tìm cách hạn chế phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tháng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự tại Ukraine. Anh và EU cũng nêu kế hoạch giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Moskva.
Mỹ và các đồng minh phương Tây còn loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này.
Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022 để đáp trả.
Moskva cũng áp trừng phạt với Tổng thống và một số quan chức cấp cao Mỹ, cấm họ nhập cảnh vào Nga. Ngoại trưởng Nga Lavrov cáo buộc phương Tây đưa ra chính sách nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Nga trong một "cuộc chiến toàn diện" chống lại nước này.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc