Thái Lan muốn đưa Covid-19 thành bệnh dịch thông thường trong năm nay

07:46, 12/01/2022

Mặc dù hiện ca nhiễm Covid-19 do biến chủng Omicron gây ra đang tăng mạnh ở Thái Lan, nhưng Bộ Y tế nước này cho rằng mặc dù biến chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh, nhưng chỉ gây bệnh nhẹ và ít tử vong. Bởi vậy, Thái Lan dự kiến sẽ đưa Covid-19 trở thành 1 bệnh dịch đặc hữu trong năm nay.

Thái Lan đẩy nhanh công tác tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lan mạnh.
Thái Lan đẩy nhanh công tác tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lan mạnh.
Theo số liệu do Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA) vừa công bố, tính đến ngày 10/1, nhà chức trách Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 5.397 ca nhiễm Covid-19 biến chủng Omicron tại 71 tỉnh.

Mặc dù Delta hiện vẫn là biến chủng chủ đạo gây nhiễm Covid-19 ở Thái Lan với 64,71% tổng số ca nhiễm, nhưng số ca nhiễm biến chủng Omicron đang gia tăng, đạt mức 35,17%. Riêng trong tuần trước, số ca nhiễm biến chủng Omicron đã tăng mạnh và chiếm tới 70,3% tổng số ca nhiễm.

Bà Sumanee Wacharasint, trợ lý phát ngôn viên của CCSA cảnh báo, với tốc độ gia tăng số ca bệnh mới trong những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 mới có thể tăng lên tới 20 nghìn ca mỗi ngày trong tháng 1, và đạt 30 nghìn ca mỗi ngày trong tháng tới. Tuy nhiên, số ca tử vong có thể được duy trì ở mức thấp do tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong dân cư đã tăng lên.

Tiến sĩ Kiattiphum Wongrajit, Bí thư thường trực Bộ Y tế Thái Lan cho biết, trong khi số ca nhiễm Omicron đang tăng mạnh và tạo làn sóng lây nhiễm mới, nhưng chỉ gây các triệu chứng nhẹ và tỷ lệ tử vong thấp. Ông cho rằng: “Dù số ca nhiễm mới tăng cao, nhưng số ca tử vong lại thấp. Điều đó cho thấy biến chủng mới có khả năng truyền nhiễm mạnh nhưng độ nguy hiểm không cao”. Với tình hình này, Bộ Y tế Thái Lan nên cân nhắc coi Covid-19 chỉ là 1 dịch truyền nhiễm bình thường.

Ông nói: “Dịch Covid-19 đã tự giảm mức độ nghiêm trọng một cách tự nhiên và tất cả người dân Thái Lan đang hợp tác tốt trong chiến dịch tiêm chủng vaccine. Và kết quả là đại dịch không thể gây hại gì. Bên cạnh đó, công tác kiềm chế đại dịch và điều trị cũng rất có hiệu quả. Những yếu tố này có thể giúp đưa Covid-19 trở thành 1 dịch bệnh đặc hữu”.

Ông Kiattiphum tin rằng, làn sóng Omicron hiện nay có thể được kiểm soát trong vòng 2 tháng, với tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới giảm dần trước khi dịch Covid-19 trở thành một bệnh dịch đặc hữu trong vòng 1 năm. Ông khẳng định: “Tình hình sẽ được kiểm soát nếu tất cả mọi người tích cực hợp tác”. Ông cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ triển khai nhiều biện pháp để hạ thấp tốc độ lây nhiễm hiện nay.

Năm 2022, Bộ Y tế Thái Lan đặt ra chiến lược đối phó với Covid-19 là tìm cách làm chậm sự bùng phát của dịch bởi các đợt bùng phát dịch lớn, có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế cộng cộng và tạo ra những biến chủng mới. Tiến sĩ Kiattiphum cũng nói rằng, Bộ Y tế Thái Lan có đủ lượng vaccine ngừa Covid-19 cần thiết để triển khai chiến lược này.

Bên cạnh đó, việc những ca nhiễm chỉ có triệu chứng nhẹ có thể được cho phép cách ly và điều trị tại nhà. Bộ Y tế có đủ thuốc men và trang thiết bị y tế để hỗ trợ những trường hợp cách ly tại nhà, đồng thời nhanh chóng đưa những ca bệnh trở nặng tới các bệnh viện trên cả nước. Ông Kiattiphum nói: “Khi dịch Covid-19 trở thành một dịch truyền nhiễm thông thường, việc kinh doanh và hoạt động xã hội có thể nhanh chóng được khôi phục”.

Ông kêu gọi người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch phổ biến, nhanh chóng tiêm đầy đủ vaccine và tiến hành xét nghiệm nhanh khi có nguy cơ. Các doanh nghiệp cũng cần phải bảo đảm môi trường làm việc không Covid-19 và tiến hành xét nghiệm Covid-19 nhanh cho nhân viên để nhanh chóng đưa đại dịch này trở thành 1 dịch bệnh thông thường.

Theo nhandan.vn


Cùng chuyên mục

Hàn Quốc phát triển thành công phương pháp xét nghiệm nhanh biến thể Omicron

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum ngày 29/12 cho biết nước này đã phát triển thành công phương pháp xét nghiệm nhanh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng thực tế từ ngày 30/12.

30/12/2021
Myanmar ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron

Theo Bộ Y tế Myanmar, biến thể Omicron đã được phát hiện trong 4 mẫu bệnh phẩm của những người trở về từ Dubai, Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ngày 28/12, Bộ Y tế Myanmar xác nhận 4 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở nước này.

29/12/2021
Thông điệp về sự cần thiết

Thế giới chuẩn bị bước sang năm thứ ba ứng phó đại dịch Covid-19. Nhấn mạnh rằng, thế giới đang có trong tay những công cụ mạnh mẽ để đẩy lùi dịch bệnh, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố nhân loại phải cùng nhau nỗ lực để chấm dứt đại dịch trong năm 2022.

28/12/2021
Bộ trưởng Tây Ban Nha khuyên dân ăn ít thịt để bảo vệ khí hậu

Bộ trưởng Tiêu dùng Tây Ban Nha Garzon khuyên người dân nên ăn ít thịt để hạn chế khủng hoảng khí hậu và làm chậm quá trình sa mạc hóa. "Người dân đều biết về tác động của khí nhà kính với biến đối khí hậu, song thường gán điều đó cho các phương tiện giao thông. Mãi gần đây, mọi người mới nhìn vào tác động của chuỗi tiêu thụ động vật, đặc biệt là thịt bò", Bộ trưởng Tiêu dùng Tây Ban Nha Alberto Garzon cho biết hôm 26/12.

27/12/2021