"2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 20/12.
Theo ông, trong bối cảnh lễ hội cuối năm đang đến gần, các quốc gia nên hạn chế sự kiện vì cho phép đám đông tụ tập sẽ là "nền tảng hoàn hảo" để Omicron lan rộng. "Sẽ tốt hơn nếu hủy các sự kiện ngay bây giờ và tổ chức sau, hơn là ăn mừng ngay bây giờ và đau buồn sau này", ông nói thêm.
Từ khi được báo cáo lần đầu ở Nam Phi tháng trước, Omicron đã được phát hiện ở hàng chục quốc gia và hiện là chủng trội ở Mỹ, vùi tắt hy vọng thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch đã qua. WHO cho biết biến chủng này đang lây lan với tốc độ chưa từng có.
Tedros chỉ ra rằng bất kể mức độ nghiêm trọng của biến chủng mới ra sao, "số lượng ca nhiễm tăng đột biến có thể áp đảo hệ thống y tế" và thêm nhiều người có thể tử vong. Hơn 5,3 triệu người đã chết kể từ khi đại dịch bùng phát, song con số thực sự được cho là cao hơn nhiều lần.
Trong bối cảnh mối lo ngại về Omicron ngày càng tăng, nhiều chính phủ đang đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường cho người dân, với dữ liệu ban đầu cho thấy liều thứ ba cung cấp khả năng bảo vệ cao hơn trước biến chủng mới. Tuy nhiên, WHO cho rằng chương trình tiêm mũi tăng cường có thể làm sâu sắc thêm bất bình đẳng tiếp cận vaccine giữa nước giàu và nghèo.
"Nếu muốn kết thúc đại dịch trong năm tới, chúng ta phải chấm dứt bất bình đẳng", Tedros nói.
Có những dấu hiệu cho thấy Omicron gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với các chủng trước, nhưng nhà khoa học hàng đầu WHO Soumya Swaminathan nói rằng "còn sớm để kết luận đây là biến chủng nhẹ hơn". Bà cảnh báo Nam Phi và những nơi khác báo cáo tỷ lệ nhập viện do Omicron thấp hơn đều là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề trong các đợt bùng phát trước đó, nhiều ca nhiễm Omicron có thể đã bị tái nhiễm.
"Các biến chủng có thể hoạt động khác nhau ở những người có khả năng miễn dịch trước đó", bà cho hay.
Theo vnexpress.net