Châu Á vẫn đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Philippines, Iran, Thái Lan vẫn là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này.
Những người sùng đạo ngâm mình trong nước sông Hằng trong lễ Kumbh Mela ở bang Uttarakhand, Ấn Độ. |
Tính đến sáng nay, thế giới ghi nhận hơn 229 triệu ca nhiễm do COVID-19, trong đó có hơn 4,7 triệu trường hợp tử vong do đại dịch. Châu Á đến nay vẫn đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19, với tổng số ca mắc mới hàng ngày ở mức cao nhất so với khu vực khác.
24 giờ qua, Ấn Độ, Philippines, Iran, Thái Lan vẫn là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này, dao động từ khoảng 12.700 đến 30.000 ca. Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục trong ngày với 30.252 ca. Đến nay, châu Á có tổng cộng 74,20 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,09 triệu ca tử vong do COVID-19. Đáng chú ý, Lào xác nhận các trường hợp nhiễm biến thể dễ lây nhiễm Delta Plus tại thủ đô Vientiane. Hiện nước này đang tăng cường các biện pháp phòng dịch tại thủ đô.
Người dân Anh tụ tập đông đúc sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. |
Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước, hầu hết các nước châu Á đều đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng và mở rộng đối tượng tiêm vaccine để đạt tỷ lệ người tiêm chủng cao hướng tới mục tiêu sống chung an toàn với dịch COVID-19.
Những thông tin dịch bệnh tích cực tại Indonesia là điểm sáng trong ngày 20/9. Indonesia - quốc gia từng là điểm nóng dịch bệnh của châu lục này, ngày 20/9 đã ghi nhận 1.932 ca mắc COVID-19 mới, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020 và trong tháng này, số ca mắc mới đã giảm tới 98% so với đỉnh dịch COVID-19 hồi tháng 7.
Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thông qua quyết định cho phép thí điểm mở cửa trở lại 120 trường học ở những khu vực có nguy cơ thấp về lây nhiễm COVID-19. Chương trình thí điểm này sẽ kéo dài trong 2 tháng. Philippines là một trong số 17 quốc gia trên thế giới đóng cửa các trường học trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành vừa qua.
Malaysia ngày 20/9 đã chính thức triển khai Chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên. Chương trình này hướng tới 3,2 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-18. Chính phủ Malaysia cũng đặt mục tiêu 80% học sinh nước này sẽ hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trước khi năm học 2022 bắt đầu, trong đó ưu tiên cho 1,1 triệu người trong độ tuổi từ 16-17.
Sau châu Á, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai của dịch COVID-19 với tổng cộng 57,67 triệu ca nhiễm, trong đó Anh có số ca nhiễm cao nhất 7,42 triệu ca. Tiếp theo là khu vực Bắc Mỹ 51,53 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ 37,54 triệu ca nhiễm, châu Phi 8,23 triệu ca nhiễm, châu Đại Dương 203.980 ca nhiễm.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn gia tăng kể cả ở những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tích cực nghiên cứu vaccine dạng xịt mũi nhằm cung cấp khả năng miễn dịch trực tiếp đến khu vực dễ bị lây nhiễm dịch bệnh nhất. Giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhằm giúp khống chế đại dịch.
Các loại vaccine hiện có cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại các triệu chứng nặng của COVID-19, nhưng dường như chưa phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn virus lây lan.
Ý kiến bạn đọc