Israel, Palestine thiệt hại hàng trăm triệu USD vì 11 ngày xung đột

11:30, 22/05/2021

Nền kinh tế Israel và cơ sở hạ tầng của Palestine thiệt hại nặng trong những ngày giao tranh, chưa kể tới chi phí quân sự.

Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza hôm qua thống nhất ngừng bắn. Hai bên không công bố chi phí cho hoạt động quân sự suốt 11 ngày giao tranh, trong khi nhiều thống kê cho thấy nền kinh tế và cơ sở hạ tầng cả hai phía đều chịu tổn thất nặng nề.

Bộ Nhà ở Gaza cho biết 16.800 ngôi nhà đã bị hư hại, trong đó 1.000 nhà bị phá hủy hoàn toàn và 1.800 căn hộ không đảm bảo điều kiện sinh sống cho người dân. Mohammad Thabet, phát ngôn viên nhà máy phân phối điện ở Dải Gaza, cho biết các hộ gia đình chỉ có điện 3-4h/ngày, thay vì 12 giờ/ngày trước xung đột.

Một khu dân cư tại Dải Gaza bị san phẳng sau đòn không kích của Israel hôm 14/5. Ảnh: AFP.
Một khu dân cư tại Dải Gaza bị san phẳng sau đòn không kích của Israel hôm 14/5. Ảnh: AFP.

Văn phòng truyền thông Hamas thông báo những đợt công kích của Israel đã gây thiệt hại 40 triệu USD cho các nhà máy và cơ sở công nghiệp tại Dải Gaza, cùng với đó là 22 triệu USD thiệt hại trong ngành năng lượng. Bộ Nông nghiệp Gaza ước tính thiệt hại 27 triệu USD với các nhà kính, đất canh tác và nông trại.

Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo cho biết người dân Palestine hiện không có hoặc chỉ được tiếp cận với nguồn nước sạch rất giới hạn. "Các gia đình ở Gaza, cũng như nhân viên của chúng tôi, cho biết họ đang trong tình trạng nguy cấp. Nhu yếu phẩm cơ bản và nguồn điện đang cạn dần, tăng thêm khó khăn cho thảm họa nhân đạo ở đây", Jason Lee, quan chức điều phối hoạt động của nhóm cứu trợ Save the Children, cho hay.

Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) đã kêu gọi bổ sung 38 triệu USD ngân sách để hỗ trợ các nhu cầu nhân đạo cấp thiết ở Dải Gaza và khu Bờ Tây, điểm nóng đụng độ trong những ngày gần đây.

Văn phòng Thống kê Trung ương thuộc chính phủ Israel cho biết nền kinh tế nước này suy giảm 6,5% trong quý I/2021 do đại dịch Covid-19, trong khi giới chuyên gia cảnh báo xung đột với Hamas sẽ cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng y tế.

Hiệp hội Các nhà sản xuất Israel (MAI) hôm 13/5 cho biết nền kinh tế đã tổn hại 166 triệu USD chỉ trong hai ngày giao tranh, bởi khu vực miền trung và miền nam liên tục hứng chịu những đợt phóng rocket dữ dội từ Dải Gaza. Con số này chưa tính đến thiệt hại với cơ sở hạ tầng.

"Ngành công nghiệp Israel vẫn hoạt động với tỷ lệ nhân công làm việc thấp", chủ tịch MAI Ron Tomer cho hay.

Cột khói bốc lên từ cơ sở dầu mỏ Israel bị trúng rocket hôm 12/5. Ảnh: Maxar.
Cột khói bốc lên từ cơ sở dầu mỏ Israel bị trúng rocket hôm 12/5. Ảnh: Maxar.

Các nguồn tin trong ngành thương mại và vận tải cho biết nhiều tàu chở dầu phải chuyển hướng khỏi các cảng bị tập kích rocket. Một đường ống thuộc công ty năng lượng nhà nước Israel cũng bị trúng đạn. Những điều này đều ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của Israel.

Nhiều hãng hàng không quốc tế đình chỉ chuyến bay đến và đi từ sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv, trong khi nhiều phi cơ phải chuyến hướng đến sân bay Ramon ở Eilat, cách đó nhiều giờ lái xe.

Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Israel chưa công bố dữ liệu toàn diện và cập nhật về thiệt hại sau 11 ngày xung đột với Hamas. Trong cuộc chiến 7 tuần giữa năm 2014, ngân hàng trung ương Israel ước tính nền kinh tế chịu thiệt hại khoảng một tỷ USD, trong khi lĩnh vực du lịch cũng bị tổn thất với mức độ không kém.

Theo VnExpress


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vaccine Covid-19 và hai xu hướng trái ngược trên thế giới

Loại vaccine mà một quốc gia lựa chọn có thể quyết định liệu quốc gia đó có sớm quay trở lại trạng thái bình thường hay không. Trong bối cảnh hàng trăm triệu người trên thế giới đã được tiêm vaccine phòng chống Covid-19, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, sự bùng phát dịch bệnh sẽ được ngăn chặn ở những nơi có phần lớn dân số được tiêm chủng. Nhưng điều này không xảy ra ở mọi nơi.

21/05/2021
Đến 6 giờ 20/5, thế giới vượt 165,5 triệu ca nhiễm Covid-19

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 632.321 trường hợp mắc Covid-19 và 12.367 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 165,5 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,43 triệu người không qua khỏi.

20/05/2021
Hơn nửa triệu trẻ em ở Mỹ đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer

Gần một tuần sau khi được cấp phép sử dụng khẩn cấp, vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer đã được tiêm cho hơn nửa triệu trẻ em trong độ tuổi từ 12 tới 15 ở Mỹ.

19/05/2021
Lý do Mỹ chưa sẵn sàng chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 với các nước khác

Mua nhiều và không sử dụng đến cũng rất nhiều, song tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa chia sẻ bất kỳ liều vaccine ngừa COVID-19 nào cho các nước còn lại của thế giới. Dẫn dữ liệu được Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố, trang mạng Bloomberg cho biết hiện có trên 27 triệu liều vaccine của Moderna và 35 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech vẫn chưa được sử dụng tại quốc gia này. Thực trạng đã khiến nhiều tổ chức, cơ quan y tế trên toàn cầu lên tiếng kêu gọi Mỹ hãy chia sẻ những liều vaccine dư thừa này tới các quốc gia còn đang bị COVID-19 hoành hành như Ấn Độ.

18/05/2021