Chiến dịch cứu khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ khỏi Covid-19

09:07, 24/04/2020

Trong số khoảng một triệu cư dân tại Dharavi, khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ, mới chỉ vài trăm người được xét nghiệm nCoV.

Cư dân trong khu ổ chuột Dharavi ở Mumbai, thủ phủ tài chính của Ấn Độ, thường kiếm sống bằng nghề công nhân nhà máy, giúp việc hoặc tài xế phục vụ người giàu tại thành phố. Cuộc sống của họ càng khó khăn sau khi  Cov id-19  tấn công Ấn Độ, buộc chính phủ phải áp lệnh phong tỏa toàn quốc.

Khoảng 125.000 người trong 5 "điểm nóng" Covid-19 ở Dharavi đang chịu sự giám sát nghiêm ngặt của chính quyền. "Không ai được phép ra vào. Mọi địa điểm, bao gồm cả cửa hàng tạp hóa, đều đóng cửa. Cảnh sát đang sử dụng máy bay không người lái để đảm bảo mọi người tuân thủ quy tắc", Kiran Dighavkar, một quan chức chính quyền Mumbai, cho biết.

Dighavkar chịu trách nhiệm giám sát nỗ lực mà giới chức gọi là "Chiến dịch Dharavi", huy động khoảng 2.500 người, bao gồm y bác sĩ, nhân viên vệ sinh và tình nguyện viên. Họ đang chiến đấu với mục tiêu ngăn chặn tình hình Covid-19 tại Dharavi vuột khỏi tầm kiểm soát và gây quá tải các bệnh viện.

Một gia đình tại khu ổ chuột Dharavi, thành phố Mumbai, Ấn Độ, hôm 8/4.
Một gia đình tại khu ổ chuột Dharavi, thành phố Mumbai, Ấn Độ, hôm 8/4.

Lệnh phong tỏa chặt chẽ 5 "điểm nóng" ở Dharavi, được áp dụng kể từ khi những ca nhiễm nCoV đầu tiên được phát hiện hồi đầu tháng 4, đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch này. Khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ đã ghi nhận gần 200 ca nhiễm nCoV và 12 trường hợp tử vong.

Một trường công lập, một khu liên hợp thể thao và một tòa nhà từng dùng làm bệnh viện đang được sử dụng làm nơi cách ly các bệnh nhân nhiễm nCoV và người nghi nhiễm. Khoảng 40.000 người đã được kiểm tra thân nhiệt trong tuần qua. 225 nhà vệ sinh công cộng tại Dharavi, thứ vô cùng thiết yếu với người dân, được khử trùng hàng ngày.

Tuy nhiên, bất chấp một loạt nỗ lực, giới chức ngày càng lo sợ không thể ngăn nCoV càn quét khu ổ chuột dày đặc người này. Những con hẻm chật hẹp, nhà cửa đông đúc và vệ sinh kém tạo điều kiện "hoàn hảo" cho nCoV lan truyền rộng rãi.

"Thách thức lớn nhất chính là bản thân Dharavi, khi mỗi phòng có tới 10-15 người. Việc thực thi quy tắc cách biệt cộng đồng có thể thực hiện bằng cách nào chứ?", Dighavkar đặt câu hỏi.

Daksha Shah, quan chức y tế cấp cao của Mumbai, cho biết chính quyền thành phố thậm chí đang xem xét sử dụng hydroxychloroquine, một loại thuốc chống sốt rét được Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi là "món quà của Chúa" giúp chống Covid-19, như "một biện pháp phòng ngừa" cho cư dân Dharavi trong những cơ sở cách ly.

"Cộng đồng đang bị hoảng loạn. Vì vậy, chúng tôi phải cẩn thận một chút", Shah cho hay, nói thêm rằng họ đang chờ sự chấp thuận từ chính quyền trung ương ở New Delhi.

Chính quyền đã hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận để phân phối thực phẩm và thuốc men cho khu ổ chuột. Lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài nhiều tuần khiến hàng nghìn người lao động nhập cư sinh sống tại đây rơi vào cảnh thất nghiệp và túng quẫn.

Jayandrath Tambe, người quản lý hoạt động của Quỹ Roti Bank, một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết họ đã phân phối 4.500 bữa ăn hàng ngày tới những cư dân sống trong vòng phong tỏa tại Dharavi, đồng thời đang cung cấp thực phẩm cho 32.000 người khắp Mumbai với sự hỗ trợ từ các khách sạn địa phương.

Imran Idris Khan, một nhân viên xã hội, đã dùng YouTube để đăng những video giải thích nỗ lực cứu trợ Dharavi, đồng thời sử dụng WhatsApp để thông báo cho người dân những nơi cung cấp thực phẩm.

"Nhiều người vẫn ngồi nhà hoặc mắc kẹt trong các nhà máy mà không hay biết về nguồn phân phối thực phẩm, nên họ sẽ bị đói. Tình trạng đó không nên xảy ra", Khan cho hay.

Mumbai, thủ phủ của bang Maharashtra, địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm nCoV nhất Ấn Độ, đã báo cáo hơn 3.000 ca nhiễm trong số 18 triệu dân. Thủ hiến Maharashtra Uddhav Thackeray hôm 20/4 cho biết khoảng 70-75% ca nhiễm nCoV tại bang này "xuất hiện triệu chứng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng".

Vijay Khabale-Patil, phát ngôn viên chính quyền Mumbai, cho biết giới chức thành phố đã tìm cách mở rộng xét nghiệm cho cả những cư dân không có triệu chứng, nhưng động thái này đã bị New Delhi từ chối. Theo chỉ thị của chính quyền trung ương, những người không triệu chứng chỉ được xét nghiệm nếu họ gặp rủi ro cao hoặc từng tiếp xúc trực tiếp với ca nhiễm.

Tới nay mới có 657 người tại khu ổ chuột Dharavi được xét nghiệm, làm dấy lên lo ngại những bệnh viện vốn đang hoạt động hết công suất có nguy cơ không xử lý nổi nếu số trường hợp nghiêm trọng tăng đột biến.

Một cư dân giấu tên ở Dharavi đang được điều trị vì nhiễm nCoV cho biết trong suốt ba tuần gần như chỉ ở nhà, anh không xuất hiện triệu chứng nào, nhưng sau đó bị viêm họng và sốt không dứt. Thanh niên 24 tuổi này đã nằm viện 9 ngày qua.

"Đôi lúc tôi cảm thấy bất lực, lo lắng cho gia đình và hàng xóm. Việc rất nhiều người đã bỏ mạng vì nhiễm virus khiến tôi sợ hãi. Liệu chúng ta có bao giờ thoát khỏi điều này?", anh nói.

Theo: VNEXPRESS.NET


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gần 2.000 ca tử vong do Covid-19, Thụy Điển vẫn đi ngược xu hướng

Trong khi Anh và Pháp đã cách ly xã hội quyết liệt thì Thụy Điển vẫn đi ngược xu hướng đó dù Covid-19 đã gây ra gần 2.000 ca tử vong ở nước này. Tự tin đã lên đỉnh dịch Nhà dịch tễ học hàng đầu của Thụy Điển cho hay, cách tiếp cận không giống ai của Thụy Điển đối với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra) đang bắt đầu… mang lại kết quả.

 

23/04/2020
Lênin - Con người của dân nghèo lao động

Lenin tên thật là Vladimir Ilyich Ulyanov. Ông sinh ra ở Simbirsk - một thành phố nhỏ bé bên bờ sông Volga, về sau đổi tên thành Ulyanovsk. Cả 6 người con trong gia đình Ulyanov được hưởng một nền giáo dục tốt, cởi mở và tôn trọng những suy nghĩ độc lập...

22/04/2020
Cách ly 125 người ở phủ Tổng thống Ấn Độ do có người mắc Covid-19

Ít nhất 125 nhân viên làm việc tại phủ Tổng thống Ấn Độ cùng gia đình đã được cách ly tại nhà sau khi con dâu của nhân viên tại đây mắc Covid-19. Những nhân viên này đều đã được xét nghiệm, tất cả đều cho kết quả âm tính. Toàn bộ phủ Tổng thống cùng các căn hộ của nhân viên nằm cạnh đó đều đã được phun thuốc khử khuẩn nhằm ngăn nguy cơ dịch bệnh Covid-19 lây lan.

22/04/2020
WHO: Nhiều bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có khả năng từ dơi

Theo người phát ngôn của WHO Fadela Chaib, mọi bằng chứng có được cho đến lúc này cho thấy virus SARS-CoV-2 nhiều khả năng đến từ động vật.  Người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/4 cho biết mọi bằng chứng mà tổ chức này có cho đến lúc này đều nghiêng về giả thuyết virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ động vật trong tự nhiên, không phải là do con người tạo ra.

22/04/2020