WHO nâng cảnh báo lây lan Covid-19 lên mức cao nhất, LHQ kêu gọi đoàn kết toàn cầu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28-2 đã nâng mức cảnh báo nguy cơ lây nhiễm và tác động của Covid-19 trên toàn cầu lên mức cao nhất, nhưng không ban bố đại dịch bởi khẳng định vẫn có cơ hội kiểm soát bệnh dịch hiện nay. WHO nhấn mạnh kẻ thù của thế giới hiện nay không phải là Covid-19 mà là sự sợ hãi, lời đồn đại và sự kỳ thị.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Geneva ngày 28-2, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nói rằng: “Chúng tôi đã tăng đánh giá nguy cơ lây lan và nguy cơ tác động của Covid-19 lên mức rất cao ở cấp độ toàn cầu”.
Đánh giá này được WHO đưa ra trong bối cảnh Covid-19 đã lây lan nhanh chóng, trên diện rộng, xuất hiện ở mọi châu lục ngoại trừ Nam Cực, khiến nhiều chính phủ và doanh nghiệp nỗ lực ngăn chặn người dân du lịch hoặc tụ tập ở những nơi đông người. Đặc biệt, Covid-19 đã lan tới những khu vực mà giới chức y tế thế giới trước đó bày tỏ quan ngại như tại khu vực Hạ Sahara ở châu Phi. Tại thời điểm WHO đưa ra cảnh báo, chỉ trong vòng 24 giờ đã có thêm chín quốc gia thông báo có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, từ Azerbaijan tới Mexico, từ Nigeria tới New Zealand.
Tuy nhiên, ngươi đứng đầu WHO cho hay, chưa thấy bằng chứng nào cho thấy Covid-19 đang lây lan tự do trong cộng đồng. Ngay cả khi tình trạng này xảy ra, chúng ta vẫn có cơ hội kiểm soát dịch bệnh này.
“Chìa khóa để kiểm soát loại virus này (Covid-19) là phá vỡ chuỗi lây lan”, Giám đốc WHO Tedros nhấn mạnh các hành động tăng cường để phát hiện sớm các ca nhiễm, cách ly và chăm sóc bệnh nhân, đồng thời tìm kiếm những người có tiếp xúc với bệnh nhân để theo dõi và cách ly.
WHO kêu gọi tất cả các quốc gia giáo dục người dân, mở rộng giám sát, tìm kiếm, cách ly và chăm sóc cho mọi trường hợp, theo dõi mọi tiếp xúc và thực hiện một cách tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội bởi theo WHO, đây không phải là một công việc chỉ của riêng cơ quan y tế.
Ông Tedros cho hay, quá trình phát triển vaccine và phương pháp điều trị đang diễn ra đồng thời. “Hiện có hơn 20 loại vaccine đang được phát triển trên toàn cầu, và môt số phương pháp điều trị đang được thử nghiệm lâm sàng. Chúng tôi kỳ vọng những kết quả đầu tiên sẽ có trong vài tuần tới”, Tổng giám đốc WHO thông báo.
Song, ông nhấn mạnh, thế giới không nên chờ đến lúc có vaccine và phương pháp điều trị, mà bất cứ cá nhân nào cũng có thể làm được những điều để bảo vệ chính bản thân và cộng đồng ngay lúc này.
“Nguy cơ của bạn phụ thuộc vào nơi bạn sống, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bạn”, người đứng đầu WHO cho hay.
Đặc biệt, Tổng giám đốc WHO Tedros nhấn mạnh: “Kẻ thù lớn nhất của chúng ta ngay lúc này không phải là Covid-19. Mà chính là nỗi sợ hãi, những tin đồn và sự kỳ thị. Tài sản lớn nhất của chúng ta là sự thật, lý trí và sự đoàn kết”.
Liên hợp quốc kêu gọi đoàn kết toàn cầu
Cùng ngày 28-2, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường và thực hiện mọi hành động để kiểm soát Covid-19 nhưng tôn trọng các quyền con người, không kỳ thị hóa.
Tổng thư ký LHQ nói rằng, chúng ta đang chứng kiến các ca nhiễm ở nhiều quốc gia mới, hiện đã tới cả lục địa châu Phi. “Đây không phải là lúc hoảng loạn mà lúc để chuẩn bị-chuẩn bị đầy đủ”, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh.
Tổng thư ký LHQ cảnh báo, dù có khả năng khống chế (sự bùng phát Cobid-19) nhưng cảnh cửa cơ hội đang thu hẹp lại. Do đó người đứng đầu LHQ kêu gọi sự đoàn kết và hỗ trợ toàn diện với trách nhiệm đầy đủ của tất cả các quốc gia.
Theo Tổng thư ký Guterres, khi các quốc gia thực hiện điều đó, các quốc gia có thể nhận được sự hỗ trợ của LHQ và cả WHO – một phần của “gia đình LHQ”.
Theo: Nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc