Anh hùng Nguyễn Văn Bảy qua lời kể của cựu phi công Mỹ
Hơn 20 năm sau chiến tranh, cựu đại tá Mỹ quay lại Việt Nam gặp phi công Nguyễn Văn Bảy, người đã bắn hạ 7 tiêm kích hiện đại.
Ralph Wetterhahn từng là phi công điều khiển tiêm kích F-4 Phantom tham chiến ở Việt Nam và may mắn sống sót sau khoảng 180 lần thực hiện nhiệm vụ. Năm 1997, ông quay lại Việt Nam để tìm kiếm thông tin về thiếu tá phi công John Robertson, người bị bắn hạ trong chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam tháng 6/1966.
Trong chuyến đi này, Wetterhahn được bố trí gặp một số cựu phi công Không quân Nhân dân Việt Nam, trong đó có anh hùng Nguyễn Văn Bảy, người đã lập thành tích bắn hạ 7 chiến đấu cơ Mỹ và đạt đẳng cấp Ace.
Phi công Nguyễn Văn Bảy (ngoài cùng, bên phải) thuật lại một trận không chiến với các đồng đội. |
"Đó là người đàn ông hơn 60 tuổi với thân hình nhỏ bé, mảnh khảnh và khuôn mặt nhiều nếp nhăn. Ông trồng xoài và nuôi cá trong trang trại gần TP Hồ Chí Minh, nơi ông chuyển đến sau khi chiến tranh kết thúc", cựu đại tá không quân Mỹ Wetterhahn kể về lần gặp đầu tiên với đại tá anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy trong bài viết đăng trên tạp chí hàng không Airspace Mag năm 2000.
Trong căn phòng nơi gặp gỡ, thông qua người phiên dịch, ông Bảy cầm mảnh giấy và đọc cho Wetterhahn về những trận không chiến mà ông tham gia, liệt kê rõ ràng ngày tháng cùng những thông tin chi tiết về trận đánh như vị trí, điều kiện thời tiết, chủng loại và số lượng máy bay tham gia, những lần cơ động và kết quả trận đánh.
Người phiên dịch phải cố hết sức để theo kịp lời kể của ông Bảy, còn Wetterhahn kiểm tra tài liệu do Mỹ và Việt Nam cung cấp trước đó. Wetterhahn ngạc nhiên nhận ra lời kể của ông Bảy giống hệt các báo cáo chính thức của phía Mỹ.
Khi ông Bảy nhắc đến sự kiện ngày 16/9/1966, Wetterhahn ngừng viết, bởi đó chính là ngày Robertson, bạn của ông, bị bắn hạ. "Tôi nhìn lên, ông Bảy cũng rời mắt khỏi tờ giấy và dừng lại một chút. Rồi ông Bảy gật đầu, tôi cảm nhận được rằng ông ấy biết mình sắp mô tả cuộc chiến mà tôi có liên quan phần nào", cựu phi công Mỹ kể.
Trong ngày hôm đó, Robertson thực hiện phi vụ ném bom Hà Nội ngay trước Wetterhahn và không trở về. "Tôi nói mình gần như đã ở đó, ông Bảy gật đầu rồi kể tiếp", Wetterhahn cho biết.
Theo lời kể của ông Bảy, còi báo động vang lên ở sân bay Gia Lâm vào đầu giờ chiều ngày 16/9. Ông Bảy bay ở vị trí thứ ba trong biên đội 4 chiếc MiG-17 do phi công Hồ Văn Quý dẫn đầu. Vào thời điểm này, ông Bảy đã hạ một tiêm kích bom F-4, một tiêm kích hạm F-8 và một tiêm kích bom F-105.
Chiếc F-4 của Robertson và phi công phụ Hubert Buchanan cũng bay ở vị trí thứ ba trong đội hình khi trận không chiến nổ ra với biên đội của ông Bảy.
Hubert Buhanan (trái) và thiếu tá John Robertson (phải) đứng trước chiếc F-4C-20-MC số hiệu 63-7643 tại căn cứ không quân Ubon, Thái Lan ngày 15/9/1966. |
"Chúng tôi tìm cách tránh radar, bay xuống không quá thấp. Rồi chúng tôi bị phòng không và tiêm kích Việt Nam tấn công. Ở đâu đó giữa Hải Phòng và Hà Nội, tôi nghĩ gần Hà Nội hơn, một thành viên trong tốp hét lên rằng có MiG ở hướng 6 giờ", Buchanan kể lại.
Ông Bảy là người đầu tiên phát hiện nhóm tiêm kích F-4 Mỹ, nhưng biên đội trưởng Quý không chắc những chiếc MiG-17 có thể bắt kịp chúng. Tuy nhiên, phi công Mỹ mắc sai lầm khi nâng độ cao và ngoặt trái. Ông Bảy tiếp cận tốp F-4 của Mỹ ở khoảng cách 100-150 m và khai hỏa.
Loạt đạn thứ hai bắn hạ chiếc F-4 của Robertson và Buchanan. "Chiếc máy bay bốc cháy và lao xuống. Tôi chỉ thấy một chiếc dù bung ra", ông Bảy nói. Buchanan nhảy dù xuống một ngôi làng, bị bắt làm tù binh và được trả tự do năm 1973, còn Robertson vẫn trong tình trạng mất tích.
Theo quan điểm của Wetterhahn, việc mẫu tiêm kích "cổ lỗ sĩ" như MiG-17 có thể sống sót trong cuộc chiến đã là một điều thần kỳ, chứ chưa nói đến thành tích bắn hạ chiến đấu cơ Mỹ. Điều đó khiến ông tò mò và muốn hỏi ông Bảy kỹ hơn về quá trình huấn luyện và kinh nghiệm tác chiến. Càng trò chuyện, cựu đại tá phi công Mỹ càng hiểu nhiều hơn về bản lĩnh, trình độ của những phi công chiến đấu Việt Nam.
Ông Bảy sinh năm 1937, là con thứ bảy trong gia đình 11 người con. Năm 1962, ông xung phong tham gia khóa huấn luyện phi công tiêm kích tại Trung Quốc. "Chúng tôi tiến thẳng từ xe đạp lên máy bay. Tôi chỉ học lái ôtô sau khi lái được máy bay", ông Bảy nói.
Các học viên bắt đầu với máy bay huấn luyện Yak-18, sau đó chuyển sang MiG-15 rồi MiG-17 trong bốn năm với sự hướng dẫn của giảng viên Liên Xô và trở về Việt Nam năm 1965. Trước khi xuất kích trận đầu, phi công Nguyễn Văn Bảy mới chỉ có khoảng 100 giờ bay trên MiG-17.
Ông Bảy lập chiến công bắn hạ chiếc F-4 đầu tiên vào cuối tháng 4/1966, khi bốn chiếc MiG-17 trong biên đội của ông đối đầu với 8 máy bay F-4 của Mỹ tiếp cận vùng trời Bắc Sơn - Chi Lăng.
Ông Bảy lúc đó mới cưới vợ hơn một tuần. "Đám cưới của tôi diễn ra trong 15 phút. Tôi cởi bộ đồ bay, mặc quần áo dân sự, làm lễ cưới rồi hút một điếu thuốc. Sau đó tôi quay lại đơn vị và chiến đấu liên tục trong 12 ngày trước khi gặp lại vợ", ông Bảy cho biết.
Giữa năm 1966, Mỹ thường xuyên ném bom Hà Nội, Hải Phòng cùng các trung tâm công nghiệp và quốc phòng khác ở miền Bắc. Ông Bảy bắn hạ một chiếc F-8 và một chiếc F-105 vào tháng 6/1966. Sau trận không chiến bắn hạ chiếc F-4 của Robertson và Buchanan tháng 9/1966, ông Bảy hạ thêm ba máy bay Mỹ khác.
"Tôi thấy mình như một võ sĩ hạng nhẹ tự tin bước lên so găng và cố gắng hạ gục những đối thủ hạng nặng. Không phải một trận mà là hàng chục trận. Chúng tôi thường đối đầu với tỷ lệ một chọi bốn hoặc năm", ông nói.
Tiêm kích MiG-17 của ông được chế tạo từ những năm 1950, rất khó điều khiển khi bay vòng và liệng ở tốc độ cao. Vũ khí của nó chỉ là hai pháo 23 mm và một pháo 37 mm, không có radar đo khoảng cách hay tên lửa.
Ông Bảy hiểu rõ máy bay Mỹ hiện đại hơn rất nhiều, nhưng cũng có điểm yếu. "Họ phải bay rất xa và luôn cảm thấy hàng nghìn con mắt, khẩu pháo chĩa vào từ dưới đất. Mắt họ không thể tập trung 100% vào máy bay của chúng tôi, nên chúng tôi thường phát hiện ra họ trước", ông nói.
Theo ông, điều quan trọng nhất là phát hiện kẻ thù trước, để có thể đạt tốc độ, độ cao lớn hơn và chiếm lợi thế. "Ai khai hỏa trước, người đó thắng", ông nói với Wetterhahn.
Sau cuộc trò chuyện, hai cựu phi công, những người từng đối đầu nhau trên bầu trời Việt Nam, đến một nhà hàng. "Ông Bảy và tôi giờ đây đấu rượu với nhau như những phi công chiến đấu xuất sắc khác", cựu đại tá phi công Mỹ kể. "Khi tạm biệt, ông Bảy ôm lấy tôi, mỉm cười và đi vào nhà. Vợ ông Bảy nói rằng trong mắt bà, ông luôn là một anh hùng".
Đại tá Nguyễn Văn Bảy, phi công anh hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam, qua đời ngày 22/9 tại Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng, hưởng thọ 84 tuổi.
Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc