EU đang loay hoay với chiến lược chống khủng bố?

07:30, 16/07/2016

Những năm gần đây châu Âu liên tiếp là mục tiêu của khủng bố các loại. Vậy chiến lược chống khủng bố mà EU áp dụng bấy lâu này là gì?

Khủng bố không phải là hiện tượng mới ở châu Âu. Khủng bố tạo ra mối đe dọa đối với an ninh châu Âu, các tổ chức dân chủ của châu lục này và các quyền lợi cùng sự tự do của các công dân châu Âu.

eu dang loay hoay voi chien luoc chong khung bo? hinh 0
EU đối đầu với khủng bố Hồi giáo cực đoan. Ảnh: Express.co.uk.

 

Từ năm 2009 đến 2013 đã có 1010 vụ tấn công khủng bố trong các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khiến 38 người thiệt mạng. Các vụ này bao gồm các cuộc tấn công thất bại, bị chặn đứng hoặc đã hoàn thành.

Ngoài ra một số công dân châu Âu cũng đã bị các nhóm khủng bố trên toàn cầu bắt cóc hoặc sát hại.

Xu hướng các chiến binh từ châu Âu đi sang các vùng khác để tham gia thánh chiến rồi quay trở lại đe dọa an ninh EU có thể sẽ tiếp tục trong những năm tới.

>> Xem thêm: Vụ khủng bố đẫm máu ở Paris vào cuối năm 2015

Do nhận thấy các mối đe dọa này vượt ra khỏi biên giới quốc gia nên EU xác định phải đối phó với các vấn đề đó ở cả cấp quốc gia và quốc tế.

Chiến lược EU

Các quốc gia thành viên EU cam kết cùng đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bảo đảm sự bảo vệ tốt nhất có thể cho các công dân của khối. Nhằm đạt được mục đích này, vào năm 2005 Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua chiến lược chống khủng bố của EU.

Chiến lược này tập trung vào tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước thứ 3 và các thể chế quốc tế:

A- Ngăn ngừa

Một trong các ưu tiên của EU trong lĩnh vực chống khủng bố là nhận diện và xử lý các nhân tố góp phần làm nảy sinh tình trạng cực đoan và quá trình lực lượng khủng bố tuyển tân binh thực hiện các hành vi khủng bố.

Để đạt mục tiêu này Hội đồng Liên minh châu Âu vạch ra một chiến lược chống chủ nghĩa cực đoan và hoạt động tuyển người vào các mạng lưới khủng bố. Đối mặt với thực trạng “sói đơn độc” (các tên khủng bố hoạt động đơn lẻ - ND), các chiến binh nước ngoài xâm nhập vào EU, hay nguy cơ khủng bố sử dụng mạng truyền thông xã hội để liên lạc và tập hợp lực lượng, Hội đồng Liên minh châu Âu đã thực hiện sửa đổi chiến lược này vào tháng 6/2014.

Vào tháng 12/2014, các bộ trưởng tư pháp và nội vụ của các nước EU đã thông qua một loạt hướng dẫn về chiến lược sửa đổi của EU. Các hướng dẫn này vạch ra một loạt các biện pháp để EU và các nước thành viên triển khai thực hiện chiến lược.

B- Bảo vệ

Ưu tiên thứ 2 trong chiến lược chống khủng bố của EU là bảo vệ công dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng, làm giảm mức độ dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công. Ưu tiên này bao gồm việc bảo vệ biên giới bên ngoài của khối, cải thiện an ninh vận tải, bảo vệ các mục tiêu chiến lược và giảm nguy cơ bị tấn công ở các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Trong lĩnh vực này, EU đang tiến hành công tác lập pháp về quản lý sử dụng dữ liệu ghi tên hành khách (PNR) phục vụ mục đích thực thi pháp luật.

C- Truy bắt

EU đang nỗ lực cản trở năng lực của các phần tử khủng bố trong việc lên kế hoạch và tổ chức khủng bố, cũng như đưa những kẻ này ra trước công lý. Để đạt được các mục tiêu này, EU đã tập trung vào tăng cường năng lực của mỗi quốc gia trong EU, cải thiện mức độ hợp tác và trao đổi thông tin giữa giới chức cảnh sát và tư pháp (cụ thể là thông qua Europol và Eurojust), xử lý vấn đề tài chính khủng bố và tước bỏ các phương tiện mà khủng bố lợi dụng để liên lạc với nhau và mở các cuộc tấn công.

Vào tháng 5/2015, Hội đồng và Nghị viện châu Âu đã thông qua các quy tắc mới để ngăn ngừa việc rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.

D- Phản ứng

Mục tiêu thứ 4 của chiến lược chống khủng bố của EU là, trên tinh thần đoàn kết, chuẩn bị quản lý và giảm thiểu hậu quả từ một cuộc tấn công khủng bố. Điều này được thực hiện thông qua việc cải thiện năng lực khắc phục hậu quả, điều phối phản ứng, và nhu cầu của nạn nhân.

Ưu tiên trong lĩnh vực này bao gồm phát triển các bước sắp xếp điều phối khủng hoảng của EU, sửa đổi cơ chế bảo vệ dân sự, phát triển cách thức đánh giá rủi ro và chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất trong hỗ trợ nạn nhân khủng bố.

Quan hệ với các đối tác quốc tế

Trong các hướng dẫn chiến lược về tư pháp và nội vụ được thông qua vào tháng 6/2014, Hội đồng châu Âu đã kêu gọi xây dựng một chính sách chống khủng bốhiệu quả, trong đó có sự tích hợp các khía cạnh đối nội và đối ngoại.

Ngày 12/2/2015, nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc EU hợp tác hơn nữa với các nước thứ 3 trong các vấn đề an ninh và chống khủng bố.

Nội dung chống khủng bố hiện hữu trong mối quan hệ giữa EU và các nước thứ 3 thông qua các đối thoại chính trị cấp cao, lựa chọn các điều khoản và thỏa thuận hợp tác, hay các dự án xây dựng năng lực và hỗ trợ cụ thể với các nước chiến lược.

EU hợp tác chống khủng bố với các nước ở Tây Balkan, Sahel, Bắc Phi, Trung Đông, Sừng châu Phi, và Bắc Mỹ, cũng như châu Á.

Hợp tác với Mỹ là một thành tố cơ bản trong chiến lược của EU. Trong các năm gần đây, hai bên đã đạt được các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như là tài trợ cho khủng bố, vận tải và biên giới, trợ giúp lẫn nhau về pháp lý và dẫn độ. Giới chức Mỹ đang hợp tác ngày càng chặt chẽ với Europol và Eurojust.

Cuộc chiến chống khủng bố còn có một khía cạnh đối ngoại quan trọng nữa là hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực nhằm xây dựng sự đồng thuận quốc tế và thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc tế trong cuộc chiến này. Cụ thể, Liên minh châu Âu hợp tác với các tổ chức quốc tế như là Liên Hợp Quốc và Diễn đàn Chống Khủng bố Toàn cầu, và các tổ chức khu vực như Ủy hội châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Liên đoàn các Quốc gia Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.

Trong khuôn khổ hợp tác với Liên Hợp Quốc và sau khi có một số nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, EU đã áp dụng một số biện pháp hạn chế đối với một số cá nhân và thực thể gắn với mạng lưới khủng bố Hồi giáo al-Qaeda./.

VOV.VN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu ưa thích của khủng bố?

Những vấn đề nội tại cùng vị trí địa lý đặc biệt khiến Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành mục tiêu tấn công của những phần tử khủng bố.

30/06/2016
Đã ấn định ngày tân Thủ tướng Anh nhậm chức

Nước Anh sẽ chính thức có tân thủ tướng mới vào đầu tháng 9, người sẽ thay thế ông Cameron đảm nhận các cuộc đàm phán đưa nước này ra khỏi EU.

29/06/2016
Đức, Pháp, Italy cam kết về "động lực mới" cho EU sau Brexit

Lãnh đạo Pháp, Đức, Italy ngày 27/6 cam kết về một động lực mới cho Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh.

28/06/2016
Anh: 11 thành viên rút lại sự ủng hộ với lãnh đạo Công đảng đối lập

Lần lượt những cái tên hàng đầu của Công đảng Anh tuyên bố rút khỏi đội ngũ ủng hộ ông Jeremy Corbyn trong ngày 26/6.

27/06/2016