Đội ngũ nâng đỡ "hùng hậu" sẽ giúp bà Clinton đánh bại ông Trump?
Từ Đệ nhất phu nhân đến Tổng thống Mỹ đương nhiệm Obama đều có bài phát biểu hùng hồn ủng hộ ứng cử viên Hillary.
Đại hội Đảng Dân chủ đã bước sang ngày thứ 3 với sự xuất hiện lần lượt của những chính trị gia “có tiếng tăm” lên phát biểu: Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama. Với một đội ngũ nâng đỡ “hùng hậu” như vậy, liệu bà Clinton Clinton có thể làm nên lịch sử, trở thành người phụ nữ đầu tiên bước lên đỉnh cao quyền lực của nước Mỹ?
Với một đội ngũ nâng đỡ “hùng hậu” như vậy, liệu bà Clinton Clinton có thể làm nên lịch sử? (ảnh: Politico). |
Bà Michelle- con át chủ bài
Không có gì đáng ngạc nhiên khi bà Michelle được chọn là người phát biểu đầu tiên vào ngày khai mạc Đại hội Đảng Dân chủ. Bài phát biểu của bà ấn tượng đến nỗi, người ta gọi bà là “vị cứu tinh” cho Đại hội, là “con át chủ bài” của bà Clinton.
Tên của ông Donal Trump không hề xuất hiện trong bài phát biểu của bà, nhưng đã được bà Michelle nhắc đến một cách khéo léo nhiều lần, giáng đòn mạnh mẽ vào “uy tín” của ứng cử viên chính thức của Đảng Cộng hòa.
Bà nói: “Chúng tôi nhắc đi nhắc lại (với con cái của chúng tôi) rằng thứ ngôn ngữ đầy thù hằn mà các con nghe được từ miệng những nhân vật của công chúng ở trên ti vi không đại diện cho thái độ thực sự của đất nước này”.
“Khi bạn nắm trong tay mã hạt nhân và điều khiển được quân đội, bạn không thể quyết định một cách hấp tấp. Bạn không thể là người dễ xúc động hay theo chiều hướng khùng lên chửi rủa. Bạn cần phải bình tĩnh, thận trọng và nắm bắt được mọi chuyện”, bà nhấn mạnh.
Bà Michelle cũng chỉ trích cả khẩu hiệu “Khiến nước Mỹ trở lại vĩ đại” trong chiến dịch tranh cử của ông Trump: “Đừng để bất cứ ai nói với bạn rằng đất nước này không vĩ đại, rằng cần phải khiến nó trở nên vĩ đại một lần nữa. Ngay lúc này, đất nước này là đất nước vĩ đại nhất thế giới”.
Trong bài phát biểu của mình, bà Michelle bày tỏ sự tin tưởng ứng cử viên Hillary Clinton sẽ đưa nước Mỹ đi đến một tương lai tươi sáng hơn bằng cách đầu tư vào tầng lớp trẻ tuổi: “Tôi tin Hillary có thể dẫn dắt được quốc gia này bởi tôi đã chứng kiến bà ấy cống hiến cả cuộc đời mình cho trẻ em”.
Bà Michelle đã nhắc đến thế hệ trẻ- những chủ nhân tương lai của nước Mỹ và nhấn mạnh đến việc những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên trong một nước Mỹ như thế nào. Bà kêu gọi người Mỹ hãy làm điều đúng đắn, đem tình yêu và lòng nhiệt huyết để bầu cho bà Clinton Clinton- người có ý chí kiên định, vững vàng, trách nhiệm cao với nghề nghiệp.
Bài phát biểu của bà Michelle diễn ra chưa đầy 15 phút đồng hồ nhưng đã tạo nên sức lay động mạnh mẽ, thậm chí có người đã rơi nước mắt.
Người ta cũng nhắc đi nhắc lại câu nói của bà: “Châm ngôn của chúng tôi là, ngay cả khi bị vùi dập, thì chúng ta vẫn đứng dậy kiêu hãnh”. Ngay cả ông Donald Trump, người bị bà ngầm công kích, cũng thừa nhận công khai rằng đó là một bài phát biểu tuyệt vời và ông thích bài phát biểu đó.
Trước đó, tên của Đệ nhất phu nhân nước Mỹ đã phủ sóng trên khắp các tờ báo lớn nhỏ khi nghi vấn nổi lên về việc vợ tỷ phú Donald Trump- bà Melania- đã “đạo” bài phát biểu của bà Michelle khiến cái tên Michelle Obama được nhắc đi nhắc lại trong nhiều ngày liên tục. Có thể nói, bà Michelle đã là ngôi sao trước khi Đại hội Đảng Dân chủ diễn ra.
Giới chuyên gia đánh giá bà Michelle Obama sẽ là sợi dây kết nối ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton với các cử tri phụ nữ, cộng đồng người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha và cả những người trẻ tuổi.
“Tình yêu lớn” 45 năm của Bill Clinton
"Mùa xuân năm 1971, tôi đã gặp một cô gái" - cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã bắt đầu bài phát biểu của mình bằng một câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng như thế. Ông đã kể lại ấn tượng khi lần đầu tiên ông gặp vợ mình, bà Clinton như thế nào.
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã bắt đầu bài phát biểu của mình bằng một câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng. (ảnh: Getty). |
Đối với ông Bill Clinton, những ngày đầu tiên, bà Clinton Clinton là một cô sinh viên với cặp kính to, không trang điểm nhưng tính cách mạnh mẽ, điềm tĩnh đã thu hút ông mãnh liệt.
Ông cũng kể lại cả quá trình 2 người để ý nhau, nhìn “trộm” nhau mỗi khi đi qua nhưng không nói chuyện với nhau cho đến khi bà Clinton đi thẳng tới chỗ ông đang ngồi trong thư viện và mở lời: "Xem này, nếu anh cứ nhìn tôi mãi như thế và bây giờ tôi nhìn lại anh thì ít nhất chúng ta cũng phải biết tên nhau chứ. Tôi là Hillary Rodham, còn anh là ai?"
Rồi câu chuyện cứ từ từ, chậm rãi cứ thế tuôn ra, đi vào lòng công chúng Mỹ bởi những chi tiết tưởng như rất đơn giản, rất đời thường.
Ông Clinton cũng nhắc lại cả 3 lần ông cầu hôn bà cho đến khi bà chấp nhận, ngày cưới của 2 người ra sao, ngày đầu tiên đưa con vào đại học và những chi tiết riêng tư trong cuộc sống vợ chồng.
Câu chuyện được dẫn dắt qua lời kể “đầy tình cảm” của một ông già 70 tuổi đã khiến hình ảnh nữ ứng cử viên Tổng thống Mỹ trở nên gần gũi, “mềm mại” hơn bao giờ hết- một nét chấm phá thú vị trong suốt chiến dịch tranh cử của bà Clinton Clinton.
Bằng cách nhắc đến giá trị của gia đình, ông Bill đã xây dựng hình ảnh bà Clinton hiện lên trong vai trò một người vợ thủy chung, người mẹ hết lòng vì con cái, người phụ nữ vì gia đình bên cạnh hình ảnh là một nữ chính trị gia cứng cỏi mà bà đã thể hiện trong những ngày qua.
"Tôi đã cưới được người bạn thân nhất của tôi. Và tôi thực sự hy vọng rằng bà ấy sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì quyết định đã chọn tôi và phớt lờ lời khuyên của tôi là hãy theo đuổi sự nghiệp của riêng bà ấy", ông Bill Clinton nhấn mạnh.
“Người bạn thân” Barack Obama
Vịệc một Tổng thống đương nhiệm nước Mỹ đề cao một ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng là lợi thế lớn mà không một ai có được ngoại trừ cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Điều đáng nói là bà Clinton không chỉ hưởng đặc quyền này một hay hai lần.
Giữa bài phát biểu của Tổng thống Mỹ, bà Clinton đã bất ngờ xuất hiện trên sân khấu và ôm ông Obama. (ảnh: Getty). |
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhiều lần công khai khẳng định trên các phương tiện truyền thông rằng sẽ không có ai có đủ năng lực hơn bà Clinton lúc này để điều hành đất nước. Bài phát biểu lần này của ông Obama tại Đại hội Đảng dân chủ cũng không phải là ngoại lệ.
Với bà Clinton, ông Obama ngợi ca “tinh thần làm việc phi thường” cũng như óc thông minh và tài phán đoán của cựu Ngoại trưởng Mỹ. Ông khiêm tốn thừa nhận, cả ông và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đều chưa chắc có khả năng điều hành đất nước như bà Clinton. Ông Obama tin tưởng tương lai nước Mỹ tươi sáng hơn dưới sự điều hành của bà Clinton.
“Bà Clinton nhận được sự kính trọng trên khắp thế giới chứ không chỉ của các nhà lãnh đạo”, ông Obama khẳng định.
Cũng như bài phát biểu của vợ mình, ông Obama bác bỏ khẩu hiệu “Khiến nước Mỹ trở lại vĩ đại” của tỷ phú Donal Trump: “Nước Mỹ vốn đã vĩ đại và mạnh mẽ. Sự vĩ đại của chúng ta không phụ thuộc vào Donald Trump”.
8 năm về trước, bà Clinton từng là đối thủ của ông Obama trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ. Còn bây giờ, ông lại là một trong những người ủng hộ bà mạnh mẽ nhất.
Ngay cả trước khi bà Clinton được chọn là ứng viên chính thức của Đảng dân chủ, ông Obama đã tuyên bố rằng ông đã sẵn sàng để “chuyển chiếc gậy chỉ huy” cho bà.
Giữa bài phát biểu của Tổng thống Mỹ, bà Clinton đã bất ngờ xuất hiện trên sân khấu và ôm ông Obama rất lâu trong tiếng reo hò và vỗ tay của công chúng. Một hành động chứng tỏ sự gắn kết chặt chẽ và tình bạn thân thiết của hai người.
Bà Clinton sẽ làm nên lịch sử?
Có thể thấy, ứng cử viên Đảng dân chủ Hillary Clinton có một đội ngũ hùng hậu “ủng hộ”. Họ đều là những tên tuổi “sáng giá” trong chính giới Mỹ.
Cả ba người, từ Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama đến Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Bill Clinton đều là những nhà hùng biện xuất sắc, có kinh nghiệm dày dạn trong các chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng.
Trong 3 ngày diễn ra Đại hội Đảng Dân chủ, 3 con người này đã “chiêu đãi” công chúng bằng những bữa tiệc ngôn từ “giàu cảm xúc”, đưa công chúng Mỹ đi từ khía cạnh này đến khía cạnh khác về con người ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ.
Trong khi đó, theo bài viết của Sky News, Đại hội Đảng Cộng hòa năm 2016 lại vắng bóng những nhân vật cốt cán của Đảng này như cựu Tổng thống George Bush và cha mình, ứng cử viên Tổng thống năm 2012 Mitt Romney, thay vào đó là những phát biểu ủng hộ của gia đình ông Trump (bao gồm vợ và con gái của ông) hay thậm chí là các ngôi sao điện ảnh và thể thao.
Đấy còn chưa kể, ông Trump còn vấp phải bê bối liên quan đến nghi vấn vợ của ông, bà Melania đã “đạo văn” bài phát biểu của Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama khi phát biểu trong ngày đại hội Đảng.
Rõ ràng, đội ngũ phát biểu ủng hộ ông Donald Trump đã “không ghi điểm” được lần này so với đội ngũ của bà Clinton. Điều này liệu có dẫn đường cho bà Clinton thẳng tiến đến Nhà Trắng?
Câu trả lời là chưa chắc. Bà Clinton có nhiều kinh nghiệm chính trường vì từng là thượng nghị sĩ, ngoại trưởng Mỹ nên am hiểu tình hình quốc tế và có quen biết, kinh nghiệm làm việc với lãnh đạo nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Trump lại là hiện tượng gây ngạc nhiên trên chính trường Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay. Ông tự bỏ tiền túi ra tranh cử chứ không trông đợi nhiều vào sự đóng góp của những người ủng hộ, các tổ chức tài chính hay các tổ chức vận động hành lang.
Bên cạnh đó, việc bà Clinton lên nắm quyền được các nhà quan sát coi là sự tiếp nối chính sách của ông Barack Obama, còn ông Trump được kỳ vọng sẽ có sự đột phá trong tương lai.
Hơn thế nữa, mới đây WikiLeaks công bố bản ghi âm một người ủng hộ bà Clinton gọi điện yêu cầu ngăn thượng nghị sĩ bang Vermont, ông Bernie Sanders, giành chiến thắng trong bầu cử sơ bộ, đã khiến nội bộ Đảng này có sự chia rẽ. Nhiều cử tri ủng hộ ông Sanders đã tức giận vì vụ việc này khiến cơ hội để bà Clinton đi đến chiến thắng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Việc bà Clinton có thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ hay không còn phụ thuộc vào thời gian phía trước, và câu trả lời này chỉ có người dân Mỹ mới có quyền quyết định được./.
Bầu cử Mỹ: Hillary Clinton đánh thẳng vào niềm tự hào của Donald Trump
vov.vn
Ý kiến bạn đọc