Năm 2015, châu Âu chìm trong những nỗi sợ hãi

06:58, 22/12/2015

Châu Âu vừa trải qua một trong những năm có nhiều bi kịch và thách thức nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua.

Với châu Âu, không có từ nào chính xác hơn để nói về năm 2015 ngoài hai chữ: tồi tệ.

Nếu có một hình ảnh nào thể hiện rõ nhất châu Âu 2015, đó hẳn phải là cảnh mà các nhà lãnh đạo châu Âu kết thúc phiên họp cuối cùng của năm tại Brussels – cuộc họp thượng đỉnh ngày 17 và 18/12.

nam 2015, chau au chim trong nhung noi so hai hinh 0
Vụ khủng bố ở tòa soạn Charlie Hebdo vào tháng 1/2015. Ảnh: Reuters.

Đó là một cuộc họp thất bại nặng nề, khi không có bất cứ giải pháp hứa hẹn nào được đưa ra để giải quyết thách thức lớn nhất với châu Âu là cuộc khủng hoảng người tị nạn. Nhưng bất chấp thất bại, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn muốn bằng mọi cách đóng gói cuộc họp lại, không phải bằng các thỏa thuận mà bằng một văn bản liệt kê những điều đã được kết luận. Như thể các lãnh đạo châu Âu đã quá kiệt sức và chán chường để có thể nghĩ ra điều gì tiếp theo.

“Một năm của những sợ hãi”

Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Martin Schulz, thì phân tích đầy cay đắng: “Một năm như thế này, khởi đầu bằng sự sợ hãi và kết thúc bằng sự sợ hãi, một năm của những sợ hãi, của những cuộc khủng hoảng sâu sắc về kinh tế, xã hội, việc làm, một năm mà các quốc gia thành viên xa rời nhau chưa từng thấy. Tôi chưa từng sống một năm như thế này trong đời”.

2015 là năm của sợ hãi và thất bại tại châu Âu.

Đầu năm 2015, châu Âu tang tóc khi xảy ra vụ xả súng Charlie Hebdo tại Paris, đến cuối năm, sự tang tóc đó còn lớn hơn gấp bội với vụ khủng bố 13/11 cướp đi 130 sinh mạng, cũng tại Paris.

Đó là những sự kiện đẫm máu nhất trên đất châu Âu kể từ Thế chiến II và là đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất mà châu Âu phải đối mặt từ vài thập kỷ qua. Hai sự kiện đẫm máu tại Paris, trái tim châu Âu, một mặt cho thấy châu lục này có thể dễ dàng bị gây tổn thương đến mức nào, mặt khác, cho thấy không gian Schengen hoàn toàn bất lực trước việc bảo vệ an ninh cho các công dân sinh sống trong đó.

Những thành quả của nhất thể hóa bị đe dọa

Hiệp ước Schengen, có hiệu lực từ 1995, là một trong những thành quả vĩ đại và đáng tự hào nhất của quá trình hội nhập châu Âu nhưng đó là một Hiệp ước của thời bình và của một không gian thịnh vượng. Đó không phải là một Hiệp ước được thiết kế để có thể tự vệ được trước các đe dọa khủng bố dưới hình thức mới.

nam 2015, chau au chim trong nhung noi so hai hinh 1
Hiện trường vụ khủng bố ngày 13/11 ở Paris.

Việc xóa bỏ biên giới các quốc gia khiến những kẻ cực đoan dễ dàng di chuyển khắp nơi mà không lưu lại dấu vết. Những kẻ khủng bố ngày 13/11 đã phóng xe từ Brussels sang Paris, xả súng điên cuồng rồi lại quay trở lại đất Bỉ ngay trong đêm mà chẳng bị ngăn cản.

Đi cùng với quyền tự do di chuyển trong Schengen là một quyền khác mà vì nó, châu Âu tự đưa mình vào thế khó: quyền bảo mật sự di chuyển đó.

Vì có rào cản này, các quốc gia châu Âu không thu thập, trao đổi và giám sát được sự dịch chuyển của các phần tử cực đoan, thậm chí là bất lực trước việc hàng nghìn thanh niên châu Âu đi-về giữa châu Âu và Syria mà không bị ngăn cản. Tất cả đã và đang buộc phải thay đổi. Hệ thống ghi nhận thông tin hành khách PNR (Passenger name record) sẽ đi vào hiệu lực và sự kiểm soát biên giới nội khối sẽ gắt gao hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, trên khía cạnh an ninh, đó chỉ là các biện pháp mang tính kỹ thuật. Để ngăn chặn lâu dài mối đe dọa khủng bố, điều quan trọng nhất phải là sự ổn định xã hội.

Sự ổn định này bị tàn phá nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất kể từ đầu thế kỷ 21. Hơn 1 triệu người tị nạn Syria, Iraq, châu Phi… đã đổ về lục địa già trong năm 2015, tạo nên những bi kịch nhân đạo khủng khiếp. Hàng nghìn người bỏ mạng trên các vùng biển Địa Trung Hải. Trên đất liền, giữa thời bình, hàng vạn người bị kẹt ở “No man’s land” – vùng đất ngăn cách giữa Hungary và Serbia. Hàng vạn người khác vạ vật trong các bến tàu ở Budapest, đói khát trên “con đường Balkan” hay sống trong cảnh đói nghèo vô luật pháp tại “rừng” Calais phía Bắc nước Pháp. 

Châu Âu chia rẽ

Làn sóng di cư này chia rẽ châu Âu nghiêm trọng. Châu lục văn minh nhất hành tinh phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: chìa bàn tay nhân đạo hay siết chặt kiểm soát để bảo vệ an ninh của chính mình. Cho đến phiên Thượng đỉnh EU cuối cùng trong năm tại Brussels, câu trả lời vẫn chưa xuất hiện.

Có những thành viên kiên quyết bằng mọi giá không nhận quota nhập cư, không chấp nhận tái định cư cho người tị nạn trên nước mình, như Hungary, Slovakia, Ba Lan… Những nước khác chỉ nhận số nhỏ và xu hướng chung, ở cả quốc gia rộng lượng nhất là Đức, đó là phải tìm cách đẩy người tị nạn rời xa biên giới châu Âu càng xa càng tốt.

nam 2015, chau au chim trong nhung noi so hai hinh 2
Dòng người di cư sang châu Âu. Ảnh: Rightsidenews.

Người tị nạn không chỉ là gánh nặng kinh tế, an ninh, xã hội mà còn thổi bùng ngọn lửa chia rẽ tôn giáo, sắc tộc, đe dọa phá vỡ cấu trúc xã hội của các nước thành viên, hay chí ít là đe dọa đánh sập các đảng cầm quyền khi dân chúng ngày càng bất mãn và quay sang ủng hộ các đảng cực hữu bài ngoại.

Xét trên cấu trúc tổng thể về chính sách đối ngoại, quốc phòng của toàn khối, khủng hoảng tị nạn cũng tạo ra những bước ngoặt tiêu cực cho châu Âu.

Trong nội bộ, đó là sự chệch hướng của một loạt các nước thành viên, đặc biệt các thành viên mới phía Đông, như xu hướng bài ngoại công khai tại Hungary hay mới nhất là chiều hướng lạm quyền gia tăng của tân chính quyền mới tại Ba Lan.

Bên ngoài, trong sự tuyệt vọng tìm kiếm các giải pháp chặn đứng làn sóng tị nạn, EU buộc phải đưa ra nhiều nhân nhượng hiếm có với Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả việc nối lại đàm phán gia nhập EU, bất chấp điều này khiến nhiều thành viên khác, như đảo Síp hay Hy Lạp, nổi giận.

Thất bại về kinh tế

Cuối cùng, khi mọi tâm trí và nguồn lực hoặc bị đông cứng vì sợ hãi, hoặc phải dồn hết cho an ninh, tị nạn, châu Âu lại trải qua một năm 2015 thất bại về kinh tế. Với một số quốc gia, trong đó có đầu tàu kinh tế Đức, kỷ luật ngân sách giờ chỉ là thứ yếu trước đe dọa khủng bố. Pháp sẽ chi mạnh tay cho an ninh và tuyên bố “EU phải thông cảm” khi Pháp chắc chắn không thể đưa thâm hụt ngân sách về ngưỡng dưới 3% GDP vào năm 2017 như đã cam kết. Các nền kinh tế chủ chốt đều ì ạch, con bệnh Hy Lạp, dù đã được bơm tiền nhưng chưa cho thấy dấu hiệu khả quan còn tại Tây Ban Nha những ngày cuối năm, nguy cơ ly khai của Catalan trở thành mối bận tâm chính khi diễn ra bầu cử.

6 năm đã qua, cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp tục nhấn châu Âu trong cơn bế tắc và mọi thứ còn thể còn xấu hơn khi kinh tế bất chợt bị đẩy xuống hàng quan tâm thứ hai, sau an ninh và tị nạn.

Với châu Âu, không có từ nào chính xác hơn để nói về năm 2015 ngoài hai từ: tồi tệ.

Thế còn 2016?  “Tôi không có bất cứ ảo tưởng gì về 2016” – Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean Claude Juncker thú nhận trong mệt mỏi./.

vov.vn

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nga-Thổ Nhĩ Kỳ khó có khả năng chấm dứt quan hệ sau vụ bắn hạ Su-24

Xét về bản chất quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng khó có khả năng hai nước sẽ chấm dứt hoàn toàn quan hệ.

30/11/2015
Nga tấn công đoàn xe chở vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ cho quân nổi dậy

Ngày 27/11, các máy bay chiến đấu của Nga đã tấn công một đoàn xe chở vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ tới căn cứ của lực lượng nổi dậy ở miền Bắc Syria.

28/11/2015
Vụ Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi đe dọa liên minh chống IS

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay quân sự Nga mới đây tạo thành trở ngại lớn trong nỗ lực của Pháp tạo thành liên minh thống nhất chống IS.

26/11/2015
Bắn chiến đấu cơ Nga là 'cú đâm sau lưng'

Ông Putin hôm nay gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của nước này là "đâm từ sau lưng" bởi các phi công Nga không phải mối đe dọa.

25/11/2015