Ukraine - Nguy cơ chiến tranh cận kề
Bất chấp lệnh ngừng bắn có hiệu lực hôm 15/2, các cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine vẫn không thể kiểm soát, đặc biệt là tại Debaltseve.
Chính phủ Ukraine đang để ngỏ một khả năng “chiến tranh toàn diện” sau khi kêu gọi các nước phương Tây cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho nước này.
Trong những ngày qua, các cuộc giao tranh vẫn diễn ra tại khu vực miền Đông Ukraine, bất chấp lệnh ngừng bắn. Các bên liên tục đổ lỗi cho nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Chiến sự ác liệt khiến thêm hàng chục người thiệt mạng, thị trấn chiến lược Debaltseve thực sự biến thành một khu vực đổ nát.
Nhiều người dân lo sợ, các cuộc giao tranh sẽ thành một cuộc chiến tranh toàn diện: “Mọi thứ đang ngày càng tồi tệ. Chúng tôi đã rất khó khăn mới sống sót được. Chúng tôi đã không còn nhà để ở, tất cả đã bị phá nát. Chúng tôi không biết điều gì tồi tệ nữa sẽ đến”.
“Đã một tháng trôi qua, chúng tôi không có nước sạch, phải sống trong đói, lạnh, không có gì cả. Làm ơn hay gửi lời chào của chúng tôi đến Tổng thống Pô-rô-sen-cô vì những gì mà ông ấy đang làm”.
Những người dân tại Debaltseve đã phải sống trong hầm tối giá lạnh trong vòng 1 tháng qua, không đủ lương thực, nước uống và thiếu ánh sáng. Trẻ em không được đến trường. Trong khi đó, các hoạt động ngoại giao con thoi của các nước lớn chỉ là để xem ai là người có lỗi.
Trong chuyến thăm Anh ngày hôm qua, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đổ lỗi cho Nga về những vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mới nhất ở miền Đông Ukraine trong mấy ngày qua, đồng thời tuyên bố Mỹ và các nước đồng minh đang cân nhắc khả năng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
“Cho đến thời điểm này, Nga đã hậu thuẫn các phần tử ly khai chỉ tuân thủ lệnh ngừng bắn ở một số khu vực chọn lọc. Trong khi Debaltseve, Mariupol và nhiều khu vực chiến lược quan trọng khác đã bị phá vỡ. Nếu tình trạng này tiếp tục chắc chắn Nga sẽ phải gánh thêm hậu quả. Trong vài ngày tới, tôi nghĩ rằng Tổng thống Obama sẽ có những đánh giá và quyết định đưa ra những bước đi tiếp theo”. Ông Kerry nói.
Rõ ràng, cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine đang tạo ra một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ cùng với các đồng minh Châu Âu liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền Đông Nam nước này. Bất chấp việc Nga liên tục bác bỏ những cáo buộc trên, cũng như việc phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho các cáo buộc của họ, các cường quốc Châu Âu cũng tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga, khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Nga cũng đáp trả bằng việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước áp đặt đòn trừng phạt nhằm vào họ. “Cuộc chiến” trừng phạt giữa Nga và phương Tây đang gây nhiều tổn thương cho cả hai bên, đặc biệt là Châu Âu.
Phía Chính phủ Ukraine cũng cáo buộc Nga cung cấp vũ khí sát thương cho phe đối lập li khai ở miền Đông để chống lại quân chính phủ. Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận cáo buộc này. Tình trạng lệnh ngừng bắn liên tiếp bị vi phạm, đặc biệt là quân đối lập li khai giành quyền kiểm soát tại Debaltseve đã khiến cho Kiev lo ngại.
Chính phủ của Tổng thống Poroshenko đã để ngỏ khả năng cho một cuộc chiến tranh toàn diện. Trong cuộc phỏng vấn đài phát thanh CBC của Canada ngày hôm qua, 21.2, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine, ông Vadym Prystaiko cho biết Kiev đã sẵn sàng cho chiến tranh toàn diện. Ông Vadym cũng kêu gọi Canada cũng như nhiều quốc gia khác, gửi vũ khí sát thương cho Ukraine. Theo ông Vadym, phe đối lập đang mở rộng công kích nhằm chiếm thêm nhiều vị trí chiến lược ở miền đông và mở rộng sang phía nam Ukraine.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin cũng đã một lần nữa kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine và nhấn mạnh rằng Kiev cần vũ khí để đạt được hòa bình. Chính phủ Ukraine cũng kêu gọi triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình tại nước này.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc công khai kêu gọi viện trợ vũ khí sát thương đã khiến cho Tổng thống Poroshenko rơi vào thế khó bởi việc cung cấp vũ khí sát thương cho dù là bên nào cũng sẽ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn./.
Ý kiến bạn đọc