"Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương"
BHG - Với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”; những năm qua, tỉnh ta luôn chủ động triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Diễn tập ứng phó lụt bão – tìm kiếm cứu nạn tại xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang). |
Là tỉnh miền núi với địa hình bị chia cắt mạnh, phân thành nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau; hàng năm, tỉnh ta luôn phải gánh chịu nhiều đợt thiên tai, đặc biệt trong điều kiện khí hậu biến đổi bất thường như hiện nay; người dân phải hứng chịu nhiều rủi ro do thiên tai như: Hạn hán, lũ quét, sạt lở đất đá, ngập úng, dông lốc, mưa đá, sấm sét… Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra trên 20 đợt không khí lạnh, không khí lạnh tăng cường, nắng nóng và mưa lớn diện rộng; nhiều nơi xảy ra mưa đá kèm gió lốc, sấm sét gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản: Đã có 8 người chết, 25 người bị thương; trên 12.550 ngôi nhà bị hư hỏng; gần 200 ha hoa màu bị ảnh hưởng; trên 100 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, nhà công vụ, hội trường thôn bị hỏng do sạt lở; tổng thiệt hại ước tính trên 54 tỷ đồng.
Trước tình hình diễn biến bất thường của thời tiết, xác định phòng là chính; ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ huy (BCH) PCTT&TKCN cấp tỉnh và kiện toàn BCH PCTT&TKCN các cấp; đồng thời ban hành các chỉ thị, kế hoạch, công điện về PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh. Các cấp, ngành chủ động kiểm tra phương án PCTT, nhất là phương châm “4 tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để tổ chức ứng trực, đối phó kịp thời khi thiên tai bất ngờ xảy ra; triển khai công tác diễn tập PCTT&TKCN với các phương pháp, cách thức nhanh gọn, thiết thực, hiệu quả; tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; mua sắm trang thiết bị, nâng cao năng lực Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN; quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không để xảy ra sạt lở, sập hầm lò gây thiệt hại về người tại khu vực khai thác khoáng sản mùa mưa lũ; ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cao như: Đào núi, xẻ ta luy dốc đứng để xây dựng nhà ở, công trình; đắp chặn dòng nước trái quy định.
Ngay khi thiên tai xảy ra, các địa phương kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; chỉ đạo khắc phục thiên tai, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt; vệ sinh môi trường và phòng, chống bệnh tật; huy động mọi nguồn lực khắc phục nhà cửa cho nhân dân gắn với tiến độ thực hiện Đề án quy tụ dân cư năm 2019; giúp người dân sớm ổn định sản xuất, cuộc sống; chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng địa phương thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân bị thiệt hại do thiên tai theo quy định; vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Các lực lượng vũ trang phối hợp chặt chẽ, tổ chức các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn vùng xảy ra thiên tai và tích cực tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả.
Để chủ động PCTT hiệu quả, nhiều địa phương đã có những cách làm hay như: Chằng néo mái nhà tránh gió lốc ở huyện Quản Bạ; sử dụng ứng dụng Trạm thời tiết thông minh iMetos trong dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai ở huyện Hoàng Su Phì; di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao gắn với đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án quy tụ dân cư trên địa bàn các huyện; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản về dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều hình thức... Đặc biệt, UBND tỉnh đã lồng ghép nội dung PCTT, thích ứng với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Theo đó, “Kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu trong sản xuất nông, lâm nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020” đã được ban hành nhằm giúp các địa phương chủ động có kế hoạch, phương án trong sản xuất, phát triển kinh tế để tránh bị thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về việc thực hiện Đề án quy tụ các hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn, bản gắn với xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020. Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã thực hiện di dời 2.933 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, đạt 89,7% kế hoạch năm 2019.
Sự phẫn nộ của “thiên nhiên” là vô cùng khắc nghiệt và gây thiệt hại nặng nề đối với đời sống người dân. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác PCTT&TKCN, hy vọng sẽ giúp người dân giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc