Đồng bộ trong thực hiện Nghị quyết 76 của Chính phủ
BHG - Là tỉnh có địa hình nhiều đồi núi, được đánh giá có nguy cơ lớn về sụt lún, sạt lở đất đá, vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) luôn được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở chú trọng. Đặc biệt, để cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 76 của Chính phủ ngày 18.6.2018 về PCTT, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, cách làm theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, qua đó giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Điểm sạt lở ta luy âm tại đoạn đường Trung tâm xã Nàn Sỉn, huyện Xín Mần (tháng 6.2018). |
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT - cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, trước mỗi mùa mưa bão, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thường trực và các ngành thành viên, UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát, cập nhật, lên kế hoạch ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra; đặc biệt là rà soát, chủ động di dời hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ cao sạt lở, lũ quét, lũ ống, các khu vực bị ngập lụt do mưa lớn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước, các công trình PCTT nâng cao khả năng tiêu thoát nước; quản lý chặt chẽ, hạn chế việc san lấp ao, hồ. Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, dự phòng ngân sách cho PCTT; tổ chức thông tin cảnh báo, dự báo và điều chỉnh khung sản xuất, gieo trồng đảm bảo sinh kế bền vững của người dân. Cùng đó, tập trung khắc phục nhanh hậu quả các đợt mưa lũ, thiên tai xảy ra.
Từ đầu năm 2018 đến nay (cao điểm trong tháng 6 và tháng 7), trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất đá, ngập lụt làm thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân: Đã có 7 người chết; làm ngập úng, tốc mái, đổ sập, cuốn trôi hơn 3.000 ngôi nhà; 42 trường học, điểm trường và Trạm y tế bị đất đá tràn vào nhà, tốc mái; trên 300 ha lúa, mạ bị ngập úng; nhiều tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, chia cắt nghiêm trọng… Để khắc phục những thiệt hại do thiên tai, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên chia sẻ đối với các gia đình có người bị chết và bị thương; đồng thời hỗ trợ nguồn kinh phí từ nguồn bảo trợ xã hội theo định mức 4 triệu đồng/1 người bị chết; hỗ trợ người bị thương phải điều trị tại các cơ sở y tế 1,5 triệu đồng/người; hỗ trợ các gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi với định mức 7,5 triệu đồng/nhà. Về hỗ trợ sản xuất, trước, trong và sau thiên tai, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất cho các đối tượng từ ngân sách dự phòng được giao hàng năm. Cùng đó, trên cơ sở đề xuất của các huyện, thành phố, UBND tỉnh đã có Tờ trình đề nghị Trung ương hỗ trợ và được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh 50 tỷ đồng để ưu tiên sửa chữa, khắc phục các tuyến đường và công trình thủy lợi bị hỏng nặng do thiên tai.
Đặc biệt, trong đợt mưa lũ của năm 2018, các ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, trong đó có Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn các thôn, hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai để hỗ trợ về mặt chuyên môn như: Khám, chữa bệnh, tuyên truyền, xử lý môi trường và nước sinh hoạt để phòng, chống dịch bệnh cho người dân sau lũ; tăng cường công tác giám sát, dự trù nhu cầu và đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, hóa chất phục vụ tại vùng có thiên tai. Đối với Sở Giao thông - Vận tải, chỉ đạo các đơn vị vận tải đường bộ làm rào chắn cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm, nhất là ở các khu vực ngập sâu, sạt lở; tập trung máy móc, nhân lực hót, dọn đất, đá sạt lở; các vị trí sạt lở ta luy âm tiến hành kè đá hộc kết hợp rọ thép nhằm bảo vệ mặt đường. Cùng đó là triển khai các biện pháp gia cố nền, mặt đường ở những đoạn xung yếu, có nguy cơ mất an toàn, khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông…
Với điều kiện thời tiết ngày một cực đoan, khó lường như hiện nay, việc PCTT lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành của tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, sự chủ động trong công tác phòng, chống của chính người dân… có như vậy mới đảm bảo việc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân khi thiên tai xảy ra.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc