Cao Bồ nỗ lực di dời dân đến nơi an toàn
BHG - Với địa hình đất dốc, chia cắt mạnh, kết cấu địa chất không ổn định, trong đợt mưa lớn, lũ quét vừa qua, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) đã bị thiệt hại lớn về người và tài sản, diện tích đất canh tác... Nhằm giảm thiểu những thiệt hại cho người dân, Đảng ủy, UBND xã Cao Bồ đã phối hợp với Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện tiến hành khảo sát, tìm kiếm địa điểm; huy động lực lượng di dời những hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn để yên tâm sinh sống và lao động sản xuất.
Hiện tượng sạt lở xảy ra trên địa bàn xã Cao Bồ (Vị Xuyên) trong đợt mưa lũ tháng 6 vừa qua. |
Theo thống kê, sau đợt lũ quét, trên địa bàn xã Cao Bồ có 7 hộ bị thiệt hại về nhà ở; trong đó có 3 nhà bị lũ quét cuốn trôi hoàn toàn, 4 hộ bị thiệt hại nặng; 42 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời khẩn cấp và 64 hộ bị mưa lũ vùi lấp hoàn toàn diện tích đất canh tác… Ngay sau khi cơn lũ đi qua, cấp ủy, chính chính quyền và nhân dân xã Cao Bồ đã khẩn trương huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả. Ngoài những biện pháp giải quyết kịp thời nhu cầu thiết yếu trước mắt của các hộ bị thiệt hại sau lũ, xã đặc biệt chú trọng đến việc di dời các hộ ở nơi nguy hiểm do mưa lũ và sạt lở đến nơi an toàn.
Cùng đồng chí Lý Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ đến thôn Tham Còn, nơi bị lũ quét gây thiệt hại nhiều nhất, gặp ông Hoàng Văn Dầu, người bị mất hết nhà cửa, tài sản trong trận lũ quét vừa qua đang bận rộn cùng bà con chẩn bị vật liệu để lên khung ngôi nhà gỗ 3 gian 2 trái trên nền đất vừa được san ủi. Lau vội mồ hôi trên trán, ông cho biết: Ngay sau trận lũ kinh hoàng, bị mất hết nhà cửa, gia đình tôi được Nhà nước và các tổ chức từ thiện đến trao cho các vật dụng sinh hoạt thiết yếu và 1 trăm triệu đồng. Cùng với sự thương yêu, đùm bọc của xóm làng góp công, góp của mà gia đình chúng tôi mới có được mảnh đất ở nơi an toàn do UBND xã lựa chọn.
Cũng giống hoàn cảnh gia đình tôi, trong thôn còn có nhà bác Lý Văn Chương cũng được hỗ trợ 100 triệu đồng; hiện đã san ủi xong mặt bằng nhưng bác để đến tháng 11 âm lịch mới khởi công xây nhà ở 4 gian cho thêm phần khang trang, chắc chắn. Quả thực, trong tình cảnh khi gian nan, hoạn nạn mới thấu hiểu tình người, tấm lòng của đồng bào lớn biết bao; mới thấy trách nhiệm, công sức của đội ngũ cán bộ ở xã nặng nhường nào.
Tương tự 2 trường hợp trên ở Tham Còn, tại thôn Gia Tuyến, gia đình chị Lý Thị Thủy cũng mất hết nhà cửa, hiện đang khởi công xây dựng ngôi nhà 4 gian trên nền đất mới với số tiền được các tổ chức từ thiện hỗ trợ 2 trăm triệu đồng. Người phụ nữ ngân ngấn nước mắt nói: Tưởng rằng đã mất hết tài sản rồi, nhưng được sự thương yêu, đùm bọc từ mọi miền mà gia đình tôi lại khởi dựng được ngôi nhà mới ở nơi an toàn. Chúng tôi sẽ nỗ lực vươn lên trong hoàn cảnh này để đáp nghĩa với những người đã chung tay, giúp chúng tôi trong những lúc khó khăn, khẩn thiết nhất!
Đó là 3 hộ bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa, tài sản ở thôn Tham Còn và Gia Tuyến được hỗ trợ và tiến hành san nền, khởi công xây dựng nhà ở. Trên địa bàn xã, 6 thôn: Tham Còn, Gia Tuyến, Bản Dâng, Thác Tăng, Chất Tiền và thôn Khuổi Luông với 39 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm do mưa lũ, sạt lở cần phải di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Số hộ này hầu hết đã tháo dỡ khung nhà cũ chuyển sang dựng tại nơi ở mới được xã lựa chọn đảm bảo yếu tố an toàn trước nguy cơ sạt lở, lũ quét. Theo thống kê của UBND xã, tùy theo khoảng cách địa điểm di dời từ nơi cũ đến nơi mới, dựa trên điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ mà nhận những suất hỗ trợ từ 10 triệu đến 90 triệu đồng; đến thời điểm hiện tại, có 2/3 số hộ đã tiến hành san ủi mặt nền nơi ở mới, một số hộ đang dựng lại nhà và 1 số hộ chuyển nhà vào khoảng thời gian sau. Tất cả số tiền hỗ trợ đã trao cho các hộ vào ngày 10.8 và tiến độ di dời toàn bộ các hộ đến nơi ở mới sẽ hoàn thành trong tháng 12.2018.
Chủ tịch UBND xã Lý Quốc Hưng cho biết: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện di dời các hộ ở nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao đến nơi an toàn như: Công tác khảo sát, lựa chọn diện tích đất ở mới cho bà con hết sức khó khăn do địa hình của xã chủ yếu nằm trong khu vực đất dốc, núi cao, khe sâu; người dân còn chần chừ không muốn rời khỏi mảnh đất đang sinh sống của cha ông để lại… Nhưng qua công tác tuyên truyền, vận động cũng như nhận thức của bà con về thảm họa mà thiên nhiên gây ra nên các hộ trong khu vực nguy hiểm đã đồng thuận, nhất trí cao để di dời đến nơi ở an toàn hơn, tùy theo điều kiện từng hộ, từng vị trí di dời, hộ chuyển trước, hộ chuyển sau…, nhưng xã quyết tâm từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành di dời 39 hộ ở 6 thôn của xã đến nơi ở mới an toàn.
Bài, ảnh: An Dương
Ý kiến bạn đọc