Bài học quý trong phòng, chống thiên tai

18:55, 23/09/2024

BHG - Cơn bão số 3 đã qua, gây nhiều thiệt hại. Tỉnh ta đã và đang huy động toàn bộ lực lượng nỗ lực khắc phục hậu quả mưa, lũ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, tập trung rà soát để “Kiên trì vận động – Quyết liệt di dời”, quyết tâm đưa các hộ dân tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn...

Quán triệt quan điểm chỉ đạo chung thống nhất trong toàn tỉnh là: “Kiên trì vận động – Quyết liệt di dời”, kết hợp phương châm “4 tại chỗ”, ưu tiên đặt an toàn tính mạng của người dân lên trên hết. Đây là kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn qua nhiều lần phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại Hà Giang. Do thực hiện tốt phương châm này nên trước, trong và sau cơn bão số 3, nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập úng diện rộng, nhưng số người chết do thiên tai được hạn chế.

Người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở thôn Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) được di dời đến nơi an toàn.
Người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở thôn Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) được di dời đến nơi an toàn.

Thôn Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn đang xuất hiện nhiều vết nứt lớn, kéo dài, có nguy cơ gây sạt, lở đất trên diện rộng, sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống của 22 hộ dân trong thôn. Trong đó có 12 hộ nằm trong rãnh nứt có nguy cơ sạt lở rất cao. Sau hoàn lưu cơn bão số 3 đi qua, thôn Thiên Hương có thêm nhiều vết sụt, lún nền đất mới rõ ràng hơn, nhiều hộ bị lún nền, nứt vỡ tường nhà dẫn đến nguy cơ sập đổ. Đồng chí Hoàng Ngọc Linh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Đồng Văn, cho biết: “Trước thực trạng và nguy cơ sạt lở cao tại thôn Thiên Hương, huyện rà soát, đánh giá khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân cảnh giác, chủ động di dời khỏi vùng nguy hiểm. Chủ động lực lượng, phương tiện “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân”...

Cũng sau cơn bão số 3, huyện Quang Bình là một trong những huyện bị ảnh hưởng nặng nề. Qua thực tế nhận thấy: Địa bàn huyện Quang Bình cùng chung dãy núi tiếp giáp với xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Nơi đã xảy ra trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ làm 52 người chết, 14 người mất tích. Đồng chí Đào Quang Diệu, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Trên địa bàn các xã của Quang Bình đã xảy ra nhiều vết nứt, lún, sạt lở núi, làm ảnh hưởng cuộc sống người dân. Trước khi cơn bão số 3 đổ bộ, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, bám nắm địa bàn, cùng người dân sẵn sàng đối phó với thiên tai; quyết liệt vận động những hộ dân đang sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở cao, chủ động theo dõi diễn biến và khi xảy ra mưa lớn kèm lũ ống, chính quyền hỗ trợ người dân di chuyển khỏi nơi có nguy cơ sạt lở và kiên quyết di dời một số người dân cố tình không di chuyển…”.

Nhân dân xã Yên Thành (Quang Bình) hỗ trợ nhau di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Nhân dân xã Yên Thành (Quang Bình) hỗ trợ nhau di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu sau bão đã gây ra mưa lớn; gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để lại hậu quả rất nặng nề đối với tỉnh Hà Giang. Theo thống kê, tỉnh ta có trên 1.400 nhà dân bị ảnh hưởng, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đã di dời khẩn cấp gần 200 gia đình; lũ quét đã cuốn trôi 28 nhà, làm sạt lở gần 400 nhà; trên 2.100 ha lúa, ngô, rau màu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, toàn tỉnh có 2 người chết. Điều đó thể hiện rõ nhất phương châm chủ động “4 tại chỗ” trong khắc phục hậu quả thiên tai của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó ban Chỉ huy PCTT- TKCN Hà Giang Hoàng Nhị Sơn cho biết: “Thời gian qua, Hà Giang đã tập trung, huy động tất cả các cấp, các ngành khắc phục hậu quả thiên tai. Nhờ có sự vào cuộc của toàn bộ cộng đồng, sự hỗ trợ của T.Ư và các địa phương khác, về cơ bản, hiện cuộc sống người dân đã tương đối ổn định. Tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng, các địa phương tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu; tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực sạt lở, khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, bảo đảm đời sống thuận tiện để người dân yên tâm sinh sống trong những ngày tiếp theo. Mặt khác, tích cực sửa chữa, khắc phục công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với đợt thiên tai mới, nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống Nhân dân”.

Bài, ảnh: PHI ANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc ra quân khắc phục hậu quả sau mưa bão tại thôn Bờ Sông, xã Xín Cái
BHG - Sáng 21.9, UBND huyện Mèo Vạc tổ chức lễ phát động ra quân khắc phục hậu quả sau mưa bão tại thôn Bờ Sông, xã Xín Cái.
21/09/2024
Những người canh lũ đầu nguồn
BHG - Những đợt bão, lũ vừa qua, chúng ta đã rất quen với các bản tin dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn thường xuyên được báo, đài, các ngành chức năng và mạng xã hội thông tin, đăng tải. Đặc biệt, những thông tin, dữ liệu quan trắc do các trạm thủy văn trong tỉnh và các tin dự báo, cảnh báo lũ do Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Hà Giang cung cấp luôn là thông tin rất quan trọng, góp phần cảnh báo để người dân các địa phương phòng, chống thiên tai.
18/09/2024
Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 03
Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam (VNPD) vừa tổ chức hoạt ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão lũ.
18/09/2024
Dự báo chính xác, chỉ đạo quyết liệt, giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra
BHG - Nhờ dự báo chính xác, kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, cùng với sự chủ động, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nên trong đợt mưa, lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra vừa qua, tỉnh ta đã hạn chế được mức thấp nhất thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.
17/09/2024