Mèo Vạc tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em
BHG - Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện Mèo Vạc ghi nhận 5 vụ tai nạn đuối nước, làm chết 8 người, trong đó có 6 trẻ em.
Cuối tháng 6 vừa qua, trên địa bàn thôn Đề Lảng, xã Giàng Chu Phìn xảy ra vụ việc 2 cháu nhỏ tử vong do bị đuối nước. Trước đó, các cháu được người nhà bảo đi sửa đường nước; tuy nhiên, sau hơn 1 tiếng không thấy 2 cháu về nên người nhà đã tổ chức đi tìm. Khi đến nơi thấy 2 cháu đã bị ngã xuống bể nước đầu nguồn dẫn nước về hồ treo của thôn. Ngay sau đó, người nhà đã khẩn trương đưa các cháu đến bệnh viện huyện cấp cứu, song các nạn nhân đã tử vong.
Theo ngành chuyên môn huyện Mèo Vạc, các vụ trẻ em bị đuối nước trên địa bàn thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các cháu có tính hiếu động, tò mò; thiếu kỹ năng bơi hoặc không biết bơi. Một số vụ xảy ra do sự chủ quan, thiếu quan tâm, giám sát của phụ huynh; chủ quan trước mức độ nguy hiểm của thiên tai; một số địa phương chưa thực sự quan tâm trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho trẻ; kiến thức phòng tránh, sơ cứu nạn nhân bị đuối nước của người dân còn nhiều hạn chế.
Giáo viên Trường Tiểu học xã Pải Lủng tuyên truyền phòng, tránh đuối nước cho học sinh. |
Trước tình hình tai nạn đuối nước ở trẻ em thời gian qua, huyện Mèo Vạc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ. Theo đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý hồ đập, phương tiện hoạt động, lưu thông trên khu vực lòng hồ, cắm biển cảnh báo đối với các khu vực nguy hiểm; nghiêm cấm các hành vi leo trèo, đùa nghịch trên các đầu đập. Chỉ đạo ngành Giáo dục huyện căn cứ tình hình thực tế của từng đơn vị trường học có thể dạy bơi và hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ, nhất là trong dịp Hè. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân, nhất là các cháu nhỏ, học sinh không đi tắm sông, suối, hồ khi không có đầy đủ các trang bị bảo hộ, áo phao, phao cứu sinh và người lớn đi cùng; không đi lại qua sông, suối, tuyến đường thường xuyên bị sạt lở; không vớt củi trên sông để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Chủ tịch UBND xã Pải Lủng, Phạm Thị Thủy cho biết: Trên địa bàn xã có 2 hồ treo và một phần lòng hồ thủy điện. Đây là các điểm tiềm ẩn khả năng xảy ra đuối nước ở trẻ em. Để chủ động công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước, xã chỉ đạo các thôn, trường học, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, cách phòng tránh về tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh; rà soát, cảnh báo kịp thời các vị trí có nguy cơ tai nạn đuối nước; tổ chức các hoạt động vui chơi, thể dục, thể thao cho trẻ trong dịp Hè. Nhờ triển khai các giải pháp, thời gian qua, trên địa bàn xã chưa ghi nhận vụ việc nào liên quan đến tai nạn đuối nước.
Thời gian tới, huyện Mèo Vạc tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm ngăn ngừa, kiềm chế tai nạn đuối nước cho trẻ em, trong đó quan tâm đầu tư nguồn lực về cơ sở vật chất, kinh phí, tạo môi trường vui chơi lành mạnh cho trẻ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và các biện pháp sơ cứu, cấp cứu đến từng gia đình, thôn, bản, nhất là các cơ sở trường học; huy động sự tham gia, hỗ trợ của cộng đồng trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc