Mèo Vạc triển khai tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc
BHG - Mặc dù những ngày qua thời tiết rét đậm, rét hại bao trùm miền đá Mèo Vạc, nhưng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét đã giúp địa phương vững vàng trong những ngày Đông giá.
Người dân thôn Há Chế, xã Sủng Trà che chắn chuồng trại cho đàn gia súc. |
Những ngày qua, nền nhiệt ở Mèo Vạc duy trì ở mức thấp; khu vực biên giới có ngày xuống âm độ. Thế nhưng, do chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm được các xã trên địa bàn chủ động ngay từ trước mùa Đông nên vật nuôi không bị chết do đói, rét. Những năm trước, người dân thường chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ, tập quán chăn thả gia súc ngoài tự nhiên vẫn thường diễn ra; việc chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc trong mùa Đông, nhất là những ngày rét đậm, rét hại chưa được người dân quan tâm, dẫn đến một số trâu, bò bị chết rét. Nhưng nay, người dân xác định chăn nuôi là sinh kế để vươn lên thoát nghèo nên có chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, chú trọng đến giá trị của “đầu cơ nghiệp”.
Trước đặc thù mỗi xã có điều kiện chăn nuôi khác nhau, ngành Nông nghiệp huyện Mèo Vạc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thời gian chăn thả hợp lý. Trong những ngày thời tiết khắc nghiệt tích cực hướng dẫn người dân cách bổ sung thức ăn tinh bột, kết hợp với ủ chua thức ăn để dự trữ nhằm tăng cường sức chống chọi cho gia súc. Tránh những trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”, ngay từ khi thời tiết có dấu hiệu chuyển mùa, huyện chỉ đạo cán bộ phụ trách các xã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho gia súc, gia cầm; tiến hành tiêm phòng cho vật nuôi, hỗ trợ thuốc thú y cho các xã, thị trấn. Tuyên truyền tới người dân chủ động che chắn, tu sửa chuồng trại tránh bị gió lùa, không để gia súc bị chết rét. Các xã ký cam kết với các gia đình trên địa bàn không để vật nuôi bị chết do đói, rét trong mùa Đông.
Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc, Vương Ngọc Hà cho biết: Huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt việc áp dụng các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đồng thời, thành lập tổ công tác xuống các xã, thị trấn để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, gia súc, gia cầm và cây trồng; đặc biệt chú trọng các thôn ở xa trung tâm xã, các hộ dân ở trên các sườn đồi, núi cao. Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, gia đình chính sách để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn tăng sức chống chịu lạnh.
Qua tìm hiểu, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống rét đến người dân. Đặc biệt, các trường học đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở vật chất các phòng học, phòng chức năng, nơi ở bán trú kín đáo, tránh gió lùa, đủ ánh sáng để giữ ấm cho học sinh. Mặt khác, gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi chết do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống rét cho vật nuôi. Các cơ quan, đơn vị trong huyện thông tin kịp thời, thường xuyên về tình hình thời tiết; các biện pháp phòng, chống rét để người dân biết, không chủ quan và chủ động bảo vệ gia súc, gia cầm; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi sưởi ấm; đội ngũ y tế các xã bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám, chữa bệnh kịp thời cho người dân… Đồng chí Lương Đình Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Trà, cho biết: Xã đã chủ động phân công cán bộ, công chức xuống các thôn tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các gia đình che chắn chuồng trại cho gia súc, gia cầm và chống rét cho người, nhất là người già và trẻ em. Do đó, đảm bảo an toàn cho người và tài sản nhân dân.
Mèo Vạc xác định chăn nuôi là sinh kế giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Bằng sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội đang giúp người dân Mèo Vạc dần thay đổi tập quán chăn nuôi, hình thành sự chủ động trong việc đảm bảo an toàn cho “đầu cơ nghiệp” trong mùa Đông giá. Đó cũng là cơ sở để địa phương hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc