Bảo vệ vật nuôi trong mùa Đông
BHG - Theo nhận định, mùa Đông năm nay nhiệt độ sẽ xuống thấp, nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, rét đậm, rét hại xảy ra, vùng núi có thể xuất hiện băng giá, ảnh hưởng đến sức khỏe đàn đại gia súc. Để bảo vệ vật nuôi, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, các cấp, ngành và người dân đang chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ.
Người dân thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) chăm sóc đàn trâu. |
Những ngày này, nhiệt độ xuống thấp, tại huyện Quản Bạ, nhiệt độ xuống dưới 150C, chị Giàng Thị Mỷ, xã Quản Bạ đã che chắn lại chuồng trại, chuẩn bị dự trữ đầy đủ thức ăn cả tinh và thô cho bò. Chị Mỷ cho biết: “Con bò này là cả gia sản của gia đình tôi. Năm nay nghe dự báo nhiệt độ thấp, lạnh lắm, tôi đã tận dụng các vật liệu sẵn có để che gió cho bò; dự trữ thức ăn không để cho bò bị đói, ốm vì rét”.
Tại huyện Vị Xuyên, công tác phòng, chống đói, rét cho đàn đại gia súc cũng đang được triển khai quyết liệt. Toàn huyện hiện có trên 35.360 con trâu, bò; trên 2.122,8 ha cỏ. UBND huyện đã ban hành kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo huyện, trưởng các đơn vị liên quan trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương, người dân tích cực, chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc như: Gia cố, tu sửa, che bạt chuồng trại đảm bảo sạch sẽ, kín gió; tích trữ thức ăn tinh và thô cho vật nuôi; chuẩn bị củi khô, trấu để sưởi ấm cho đàn vật nuôi nếu nhiệt độ xuống thấp; triển khai tiêm phòng các loại dịch bệnh, tăng cường sức đề kháng cho đàn đại gia súc. Đặc biệt, huyện đã thực hiện Chương trình bảo hiểm trâu, bò; đến nay tổng số hộ, cơ sở đăng ký mua bảo hiểm cho trâu, bò trên 9.273 hộ với 18.937 con trâu, bò của các xã, thị trấn.
Hiện nay, ngoài việc đảm bảo sức kéo, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa theo hướng trang trại, gia trại, mang lại thu nhập cao. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trước rét đậm, rét hại là vấn đề “sống còn” của nhiều hộ chăn nuôi và địa phương. Toàn tỉnh hiện có trên 284 nghìn con trâu, bò; trong đó, đàn trâu trên 162 nghìn con, đàn bò trên 122 nghìn con; ngành chăn nuôi chiếm trên 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Nhận thấy rõ vai trò quan trọng của chăn nuôi đối với sự phát triển kinh tế; tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ sức khỏe vật nuôi. Ngày 9.11.2020, UBND tỉnh có Chỉ thị về triển khai các giải pháp phòng, chống đói, rét trên đàn gia súc vụ Đông - xuân năm 2020 – 2021. Chỉ đạo các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể từng đồng chí trong BTV, BCH, các ngành phụ trách các xã bám nắm địa bàn, trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng các loại bạt và vật liệu sẵn có chủ động che chắn chuồng trại chăn nuôi đảm bảo kín gió; đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp; tuyệt đối không thả rông gia súc, không bắt gia súc làm việc khi nhiệt độ xuống dưới 120C; cho gia súc ăn bổ sung thức ăn tinh, uống nước ấm pha muối để tăng sức đề kháng. Đối với địa phương còn các hộ chưa có chuồng nhốt gia súc, yêu cầu tập trung chỉ đạo các hộ tu sửa, làm mới đảm bảo 100% các hộ chăn nuôi phải có chuồng trại che chắn đàn gia súc; chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của địa phương hỗ trợ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách làm chuồng nuôi nhốt gia súc.
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trịnh Văn Bình cho biết: Sở Nông nghiệp -PTNT đã xây dựng phương án phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong vụ Đông - xuân 2020 - 2021; Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt là các huyện vùng cao. Qua kiểm tra tại các địa phương cho thấy, ý thức bảo vệ đàn vật nuôi của cấp ủy, chính quyền và người dân tương đối tốt, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn thức ăn đảm bảo. Trong thời gian tới, thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại có thể xảy ra, vì vậy người dân không được chủ quan, cần theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết để chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Đặc biệt, hiện nay một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện bệnh Viêm da nổi cục khiến 28 con trâu, bò mắc bệnh. Các địa phương và người dân cần quyết liệt triển khai các giải pháp tích cực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc