Nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo thiên tai
BHG - Công tác dự báo, cảnh báo có vai trò quan trọng trong việc giảm thiệt hại, ảnh hưởng về người, tài sản do thiên tai (TT) gây ra; thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quan trắc, cảnh báo, giúp chủ động, ứng phó hiệu quả với TT.
Dự báo viên Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cập nhật số liệu trên hệ thống. |
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan, mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, không theo quy luật; trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 14 đợt TT, làm chết 5 người, 12 người bị thương, 3.261 ngôi nhà bị ảnh hưởng, 1.681 ha cây trồng bị hư hỏng… tổng thiệt hại về tài sản khoảng 59,8 tỷ đồng. Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), trong 6 tháng cuối năm, hiện tượng Enso tiếp tục ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng, nên hiện tượng bão có xu hướng hoạt động muộn hơn. Để chủ động ứng phó với tình hình đó, Đài KTTV tỉnh xác định trọng tâm là dự báo, cảnh báo chính xác sự xuất hiện của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ trái mùa…
Trạm đo mưa tự động được lắp đặt tại xã Xín Chải, (Vị Xuyên). |
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Đài KTTV tỉnh Nguyễn Đình Hợp, cho biết: Đài có 5 Trạm Khí tượng và 5 Trạm Thủy văn đặt tại các huyện, thành phố với nhiệm vụ dự báo, thông tin tư liệu KTTV, tổ chức các hoạt động quan trắc phục vụ phòng, chống TT. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dự báo, Đài luôn đảm bảo hệ thống máy móc hoạt động ổn định, thu thập, xử lý số liệu phục vụ dự báo, cảnh báo mưa, bão, lũ và truyền tin kịp thời. Hệ thống đo mưa thủ công đã được thay thế bằng hệ thống tự động, đảm bảo độ chính xác cao. Ngoài cập nhật số liệu của các Trạm đo mưa của tỉnh, Đài đã chủ động phối hợp, tham khảo số liệu từ các Trạm Thủy văn chuyên dùng do các công ty, đơn vị lắp đặt nhằm phục vụ tốt hơn công tác dự báo. Đặc biệt, hiện nay Đài đã được trang bị hệ thống kết nối trực tuyến với Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, tạo thuận lợi cho hoạt động chia sẻ dữ liệu, trao đổi thông tin, kịp thời có biện pháp ứng phó khi có bão, lũ xảy ra. Đội ngũ cán bộ, quan trắc viên cũng thường xuyên được đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ…
Với địa hình bị chia cắt mạnh, thường xuyên xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: Lũ ống, lũ quét, mưa đá, lốc… Để chủ động ứng phó, ngay trước mùa mưa, lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, các địa phương xây dựng phương án phòng, chống cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành cắm biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ xảy ra TT, sạt lở, ngầm tràn. Biển cảnh báo sẽ được lắp đặt cách khu vực dễ sạt lở, nguy hiểm khoảng 50m để người dân, phương tiện chủ động phòng tránh rủi ro. Năm 2019, toàn tỉnh đã lắp đặt 242 biển cảnh báo tại các huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Yên Minh và thành phố Hà Giang. Trong năm 2020, đang hoàn thành lắp đặt thêm trên 300 biển cảnh báo tại các địa phương.
Đồng chí Lê Anh Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Hiện nay, ngành đang tích cực áp dụng những công cụ hỗ trợ công tác cảnh báo TT, giúp nâng cao tính chủ động, cải thiện độ chính xác, thời gian cảnh báo sớm hơn. Trong đó, phối hợp lắp đặt các Trạm đo mưa tự động tại các địa phương; hiện, toàn tỉnh có 37 Trạm đo mưa tự động được lắp đặt, đưa vào sử dụng. Các Trạm đo mưa tự động sẽ chuyển số liệu về trung tâm phân tích, gửi tin cảnh báo cho địa phương nơi được lắp đặt, giúp phòng ngừa, ứng phó với TT hiệu quả. Cùng với đó, trang bị hệ thống loa cầm tay cho các thôn có nguy cơ cao về TT quản lý, sử dụng. Các địa phương cũng đang trong lộ trình triển khai hệ thống tin nhắn điện thoại cảnh báo TT đến các hộ dân trên địa bàn…
Cùng với đầu tư hệ thống dự báo, cảnh báo thông minh, các ngành, các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình hồ đập trước mùa mưa bão. Song song với đó, để thực hiệu quả công tác phòng ngừa TT, tỉnh ta đang tích cực triển khai các nội dung Đề án số 1002 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro TT dựa vào cộng đồng. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình quản lý rủi ro TT; tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và người dân nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản; nâng cao năng lực phòng, chống và giảm nhẹ TT cho cán bộ chính quyền các cấp…
Bài, ảnh: Phạm Hoan