Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm
BHG - Trước tình trạng dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.
Chị Lê Thị Suốt, thôn Thủy Lâm, xã Trung Thành (Vị Xuyên) chăm sóc đàn gà của gia đình. |
Gia đình chị Lê Thị Suốt, đội 1, thôn Thủy Lâm, xã Trung Thành (Vị Xuyên) nuôi gần 1.000 con gà; những ngày này, chị thường xuyên theo dõi thông tin về diễn biến của dịch bệnh. Để bảo vệ an toàn cho đàn gà, ngoài việc tiêm phòng vắc xin định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã; chị thường xuyên rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đặc biệt, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, chị phải bật hệ thống lò sưởi để chuồng trại luôn đủ ấm và bổ sung thức ăn dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho đàn gà.
Với quy mô chăn nuôi lớn, nên việc phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi luôn được gia đình anh Nguyễn Hữu Nguyên, tổ 7, phường Quang Trung (TPHG) quan tâm; nhất là khi thời tiết mùa Xuân luôn có mưa ẩm như hiện nay. Anh Nguyên cho biết: Hiện nay, gia trại của gia đình nuôi trên 1.500 con gà; khi được chính quyền tuyên truyền về dịch cúm gia cầm, mặc dù trên địa bàn chưa xuất hiện dịch bệnh. Tuy nhiên, đây là thời điểm các hộ chăn nuôi tái đàn, trong quá trình mua bán, vận chuyển giống gia cầm rất dễ mang mầm bệnh ở tỉnh khác xâm nhập vào đàn gia cầm của địa phương. Do đó, gia đình tôi không chỉ khử trùng bằng vôi bột, phun hóa chất đối với chuồng trại mà còn không thả rông gia cầm. Nhờ tuân thủ nghiêm các quy trình đó, nên từ nhiều năm nay, đàn gia cầm của gia đình luôn khỏe mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT cho biết: Hiện, toàn tỉnh có gần 5 triệu con gia cầm, đến thời điểm này, trên địa bàn chưa xảy ra dịch cúm gia cầm; tuy nhiên, theo chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp với các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi về dịch cúm gia cầm; trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan chức năng. Chỉ đạo và phân công cho đội ngũ cán bộ chuyên môn của huyện, cán bộ nông nghiệp và thú y xã, thôn nắm chắc tình hình tại cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý gia cầm bị chết do mọi nguyên nhân khi còn trong phạm vi hẹp. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; khuyến cáo người chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng. Đồng thời, tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao tại các huyện, thành phố để tiêu diệt các loại mầm bệnh…
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm gia cầm H5N6 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh và làm chết hàng loạt gia cầm. Đặc biệt, bệnh có thể lây sang người. Vì vậy, việc chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ta là vô cùng cấp thiết, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Bài, ảnh: Thanh Thủy
Ý kiến bạn đọc