Bắc Mê đẩy mạnh tuyên truyền, giải quyết tình trạng xuất khẩu lao động "chui"
BHG - Do đời sống của người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Bắc Mê còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật còn hạn chế nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo. Để nâng cao nhận thức cho người dân, thời gian qua, công tác tuyên truyền, giải quyết tình trạng xuất khẩu lao động “chui” đã được các cấp, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm.
Các ngành, đoàn thể xã Yên Cường tuyên truyền chính sách xuất khẩu lao động cho người dân. |
Theo thống kê, năm 2018, huyện Bắc Mê có 2.883 người xuất cảnh; trong đó, thông hành có 1.933 người; xuất cảnh trái phép 926 người. Nhưng trong 7 tháng năm 2019, tình trạng xuất khẩu “chui” đã giảm chỉ còn 223 người sang Trung Quốc làm thuê. Công việc chủ yếu là lao động phổ thông, như: Bốc dỡ hàng hóa, thu hoạch nông sản, chăn nuôi, trồng rừng... với mức thu nhập từ 250 - 400 nghìn đồng/ngày. Các trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc đều đi theo đường tiểu ngạch rồi đi sâu vào nội địa Trung Quốc đến các cơ sở sản xuất để xin việc làm. Một số trường hợp xuất cảnh bằng giấy thông hành hoặc hộ chiếu có dán VISA du lịch sang Trung Quốc thời hạn 1 tháng, nhưng trốn ở lại lao động trái phép.
Có nhiều nguyên nhân để người lao động tự do vượt biên sang Trung Quốc làm việc, song nguyên nhân chính hầu hết là thời điểm nông nhàn không có việc làm. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cá nhân bên Trung Quốc yêu cầu tay nghề không cao nên thu hút nhiều lao động tại các khu vực biên giới. Ngoài ra, do hạn chế hiểu biết, nhận thức về pháp luật cùng với đường biên giới dài, địa hình phức tạp, có nhiều đường mòn, lối mở; công tác quản lý dân cư còn nhiều hạn chế... nên chưa ngăn chặn hiệu quả việc người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.
Thượng tá Hoàng Văn Minh, Trưởng Công an huyện Bắc Mê, cho biết: Các trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc chủ yếu là thanh niên, phụ nữ, lao động chính tại gia đình nhưng chưa có nhận thức đầy đủ về pháp luật, đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Để hạn chế tình trạng trên, Công an huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, giúp người dân hiểu hơn các quy định về xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và xử phạt hành chính đối với những người có hành vi qua lại biên giới mà không làm thủ tục xuất, nhập cảnh. Đồng thời, tăng cường nắm địa bàn, đẩy mạnh công tác điều tra, phát hiện những người tham gia môi giới, dẫn dắt đưa người xuất, nhập cảnh trái phép để xử lý kịp thời.
Ðể góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân, thời gian qua, các cấp, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Bắc Mê đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giải quyết vấn nạn xuất khẩu lao động “chui”. Bên cạnh đó, việc định hướng cho người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động đi theo kênh chính thống, tìm kiếm việc làm cho lao động các xã, thị trấn được quan tâm. UBND huyện đang thu hút đầu tư và ngày càng có nhiều doanh nghiệp triển khai các dự án tạo nhiều việc làm tại chỗ cho lao động. Cùng với đó, giao Phòng Lao động - TBXH huyện tiếp tục làm tốt công tác định hướng, tuyên truyền về Bộ luật Lao động; dạy nghề và giải quyết kịp thời các vướng mắc của lao động…
Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; vì vậy, người lao động có thể liên hệ trực tiếp với Phòng Lao động - TBXH để được tư vấn, giới thiệu việc làm theo đúng quy trình. Đặc biệt, không nghe theo lời dụ dỗ, lôi kéo của những “cò mồi” lao động gây ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và xã hội.
Bài, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc