Hoàng Su Phì đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Những năm qua, việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì được triển khai hiệu quả; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật.
Chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền pháp luật cho nhân dân xã Túng Sán. |
Thôn 7 Tả Lèng, xã Túng Sán với 100% đồng bào DTTS sinh sống. Do địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế; nên trước đây đã xuất hiện nhiều đối tượng xấu đến địa bàn thôn trộm cắp tài sản, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, lôi kéo người dân đi lao động trái phép… Trước tình hình đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã phối hợp với lực lượng Công an và chính quyền xã tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia các hành vi vi phạm pháp luật. Dưới sự tuyên truyền, vận động, thôn đã thành lập mô hình “Tổ tích cực liên kết tự quản về ANTT”. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; nhân dân yên tâm lao động sản xuất, đời sống vật chất tinh thần từng bước được nâng lên; nhiều năm liền, thôn không có người vi phạm pháp luật đến mức phải xử phạt hành chính. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh qua từng năm, số gia đình đạt văn hóa năm sau luôn cao hơn trước…
Những năm gần đây, hoạt động PBGDPL trên địa bàn huyện đã, đang được đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm trong tình hình mới. Việc tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu, qua hoạt động cổ động, tổ chức lễ mít tinh, tọa đàm, chương trình văn nghệ, hội nghị, hội thảo, hội thi, tổ chức tuyên truyền miệng tại các trường học, cơ quan, cấp phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật…, đến tận tay người dân, từng gia đình; nội dung tuyên truyền tập trung vào các luật: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính…
Sau 5 năm thực hiện Ngày pháp luật, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã tổ chức tuyên truyền miệng được 766 cuộc, thu hút trên 40.000 lượt người nghe; tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật được 75 buổi với trên 1.800 lượt người tham gia; tuyên truyền thông qua hoạt động xét xử lưu động được 24 vụ với trên 7.000 lượt người tham gia; tổ chức phổ biến pháp luật trực tiếp tại trường học được 750 cuộc cho 31.257 lượt giáo viên, học sinh tham gia; cấp phát 375 tài liệu tuyền truyền pháp luật cho các nhà trường; thi tìm hiểu pháp luật được 12 cuộc, thu hút trên 6.000 lượt người tham gia…
Đồng chí Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Tư pháp huyện, cho biết: “Với đặc thù là huyện miền núi, biên giới; 2/3 dân số là đồng bào DTTS, nên việc tiếp cận kiến thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Để có phương pháp tuyên truyền pháp luật cho người dân hiệu quả, Phòng đã chủ động tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nhờ kịp thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân nên đã góp phần giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ở cơ sở, tránh được các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp… Từ đó, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.
Thời gian tới, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng và địa bàn; đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân. Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành để hoạt động PBGDPL trở thành đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng trong toàn dân, ngày càng nền nếp và đi vào chiều sâu.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc