Phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, điểm mới trong Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)
BHG - Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được các vị đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua. Dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới được bổ sung, trong đó đáng chú ý là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luật tại tổ về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ VI. |
Tại phiên thảo luận ngày 20.11, các vị đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận và thấy rằng việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng (PCTN). Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước phù hợp với quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW, đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) đã quy định một số tội phạm tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước (Điều 353 Tội tham ô tài sản, Điều 354 Tội nhận hối lộ, Điều 364 Tội đưa hối lộ, Điều 365 Tội môi giới hối lộ), phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên. Trong luật lần này đã quy định rõ tại khoản 2 Điều 2 về các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. Tại khoản 9, khoản 10 Điều 3 quy định “Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không thuộc trường hợp:cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội”.
Hiện nay, pháp luật hình sự đã mở rộng quy định xử lý tội phạm tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đồng thời, pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh, đất đai, khoáng sản... cũng đã quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức trong công khai minh bạch hoạt động, thực hiện một số biện pháp phòng ngừa xung đột lợi ích... Như vậy, các doanh nghiệp ngoài nhà nước, tổ chức tôn giáo và tổ chức xã hội khác khi thực hiện hoạt động liên quan đến vốn, tài sản của nhà nước hoặc có huy động đóng góp của nhân dân đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật có liên quan, nếu có hành vi tham nhũng thì các cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên dự thảo Luật chỉ quy định áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng vì đây là các doanh nghiệp có huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế hoặc các tổ chức xã hội có huy động đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện là phù hợp. Vì vậy, tại Điều 80 áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước cụ thể đã quy định áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện. Các nguyên tắc công khai, minh bạch, nội dung công khai, minh bạch, hình thức công khai, minh bạch, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch quy định tại Điều 9, các điểm a, c và d khoản 1 Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Luật này; Kiểm soát xung đột lợi ích quy định tại Điều 23; Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu quy định tại Điều 72, các điểm a, b và d khoản 3 Điều 73 của Luật. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Về thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước, đây là vấn đề cũng được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, qua thảo luận Quốc hội thấy hiện nay, pháp luật đã có quy định về thanh tra chuyên ngành đối với việc thực hiện quy định của Luật Doanh nghiệp về công khai hoạt động, công bố thông tin đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng… Do đó, để việc thanh tra công tác PCTN không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Luật đã bổ sung căn cứ “khi có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm…” mới tiến hành thanh tra; trình tự, thủ tục được thực hiện theo Luật Thanh tra. Bên cạnh đó, để tránh việc một doanh nghiệp, tổ chức xã hội bị thanh tra nhiều lần bởi nhiều cơ quan thanh tra khác nhau về cùng một nội dung, dự thảo Luật cũng đã giao cho Thanh tra Chính phủ hướng dẫn xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra được quy định tại Điều 81 của Luật này.
PCTN trong khu vực ngoài nhà nước là nội dung mới, vì vậy Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã dành những điều luật rất cụ thể để quy định rõ ràng, đảm bảo việc thực thi Luật đạt hiệu quả. Ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tại khoản 2, Điều 4 của Luật quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong PCTN, gồm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức; Kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng. Đồng thời tại khoản 1, Điều 82 cũng quy định về trách nhiệm Phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước đó là “Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình”, đồng thời Luật cũng dành riêng một mục (mục 2 Chương VI) để quy định về áp dụng PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Minh Quang (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)
Ý kiến bạn đọc