Cảnh báo tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng
BHG - Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, môi trường mạng đang trở thành không gian quan trọng cho hoạt động học tập, giải trí của trẻ em. Tuy nhiên, thời gian qua, trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm của công dân về việc các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn này.
Trường PTDT bán trú THCS Pố Lồ (Hoàng Su Phì) tuyên truyền phòng chống xâm hại trên môi trường mạng cho học sinh qua hình thức sân khấu hóa. Ảnh: Nguyễn Phương |
Tháng 9.2023, Công an tỉnh tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm của công dân về việc đối tượng sử dụng mạng xã hội có hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Qua công tác xác minh, điều tra, lực lượng chức năng xác định đối tượng là P.Đ.H (sinh năm 1994, trú tại xã Thụy An, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội) đã có hành vi sử dụng tài khoản facebook ảo kết bạn với bị hại là Đ.K.N (sinh năm 2013, trú tại xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang) xây dựng mối quan hệ tình cảm với bị hại, sau đó dụ dỗ, lôi kéo, gọi video trực tiếp hướng dẫn bị hại quay bộ phận nhạy cảm của cơ thể để đối tượng xem và lưu lại. Đối tượng đã sử dụng các video trên để khống chế, ép buộc bị hại liên tục quay thêm nhiều video gửi cho đối tượng, nếu không thì đối tượng uy hiếp sẽ công khai toàn bộ những video trước lên mạng xã hội, làm ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm của bị hại và gia đình.
Đến ngày 26.9.2023, bị hại quá hoảng sợ đã tiến hành chặn liên lạc với đối tượng. Lúc này, đối tượng H. đã nhắn tin cho những người thân, quen với bị hại trên mạng xã hội; từ đó gia đình mới phát hiện cháu bị đối tượng xấu xâm hại trên không gian mạng và trình báo với cơ quan Công an. Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 8.11.2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với P.Đ.H về hành vi “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”.
Cơ quan Công an thi hành lệnh bắt tạm giam P.Đ.H. (người thứ 2 bên phải) về hành vi “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” . Ảnh: Công an Hà Giang. |
Ngoài vụ việc trên, địa bàn Hà Giang cũng có một số đối tượng sử dụng mạng xã hội để làm quen, xây dựng mối quan hệ tình cảm với nạn nhân, dụ dỗ nạn nhân gửi các hình ảnh nhạy cảm, sau đó phát tán lên không gian mạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và cuộc sống của trẻ em. Theo lực lượng chức năng, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là sử dụng các mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok để kết bạn, làm quen, dụ dỗ trẻ em gặp gỡ để quan hệ, xâm hại tình dục. Một số đối tượng thông qua mạng xã hội, làm quen, đặt vấn đề quan hệ tình cảm hoặc hứa hẹn cho tiền, quà để dụ dỗ, đe dọa, ép buộc trẻ em trình diễn khiêu dâm qua mạng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng, trong đó phần lớn là do gia đình, nhà trường thiếu sát sao, quan tâm, trang bị kiến thức cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng. Dẫn đến việc các em nhận thức chưa đầy đủ về nguy cơ, tính phức tạp cũng như chưa có kỹ năng bảo vệ bản thân khi hoạt động, tương tác trên không gian mạng; chưa biết cách để phòng, tránh việc bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo thực hiện các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật.
Hiện nay, ngành Giáo dục đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phối hợp với phụ huynh trong việc dạy dỗ, giáo dục, hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh xâm hại trên môi trường mạng cho trẻ em. Trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng internet để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, xâm hại. Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các trường học với hình thức đa dạng như: Tổ chức các giờ học ngoại khóa; tuyên truyền thông qua các cuộc thi, hội thi; lồng ghép trong các tiết học giáo dục kỹ năng sống... Đồng thời, các đơn vị trường học cũng đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh, hạn chế việc các em dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội.
Cùng với đó, lực lượng Công an tỉnh cũng tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, thông tin về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các trường học, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tăng cường thông tin, tuyên truyền về các thủ đoạn xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; tập huấn kỹ năng tương tác an toàn trên mạng cho trẻ em nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Thực hiện tốt công tác bảo vệ đối với trẻ em bị xâm hại, hỗ trợ kịp thời các dịch vụ y tế, tâm lý để bảo vệ nạn nhân trong quá trình điều tra, tố tụng.
Đặc biệt, các bậc cha mẹ cần chú trọng quan tâm, quản lý hoạt động của con cái trên không gian mạng; thường xuyên phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục cho trẻ em kỹ năng tương tác an toàn, bảo vệ bản thân trên mạng xã hội. Trong trường hợp phát hiện trẻ em có dấu hiệu bị xâm hại, bạo lực cần khẩn trương thông báo, tố giác đến cơ quan Công an để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc