Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”
BHG - Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (TP&VPPL) liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới nhằm đối phó với cơ quan chức năng, lợi dụng sơ hở các quy định của pháp luật gây ra nhiều vụ việc phức tạp, khó xử lý.
Các đối tượng TP&VPPL liên quan đến “tín dụng đen” thường thể hiện qua hai phương thức: Hoạt động cho vay lãi nặng truyền thống, dạng này thường sử dụng các hợp đồng giả cách, hợp đồng mua bán, thuê lại tài sản của người đi vay nhằm biến tướng hoạt động cho vay để chiếm đoạt tiền lãi bất chính hoặc cho vay tín chấp, không cầm cố tài sản để tránh các quy định của pháp luật hiện hành về vay có cầm cố tài sản. Phương thức thứ hai là hoạt động cho vay trực tuyến, các đối tượng trong đó có cả người nước ngoài sử dụng các website, ứng dụng điện thoại di động (App) để tiếp cận, quảng cáo cho vay tài chính đến người dân với thủ tục đơn giản, người vay tiền cần cung cấp ảnh, Căn cước công dân hoặc giấy phép lái xe và sổ hộ khẩu với số tài khoản ngân hàng. Số tiền vay có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản của người vay. Các đối tượng quy định biến tướng về lãi suất bằng cách thu các khoản phí dịch vụ, nếu cộng cả tiền lãi suất và phí có thể lên đến hàng nghìn %/năm.
Nhóm đối tượng cho vay lãi suất cao bị tạm giữ hình sự. |
Hệ lụy của “tín dụng đen” là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; làm cho rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải tha phương cầu thực, mâu thuẫn, ly tán… đồng thời là điều kiện hình thành các ổ nhóm, tiền ổ nhóm tội phạm hoạt động mang tính côn đồ, bạo lực, gây ra các loại tội phạm như: Giết người, cố ý gây thương tích, cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với TP&VPPL liên quan đến ‘tín dụng đen” và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với TP&VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm, tình hình TP&VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có chuyển biến tích cực, không còn hoạt động công khai, manh động, tràn lan như những năm trước. Nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao, nhiều chương trình hỗ trợ tài chính của hệ thống ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng được triển khai, đáp ứng nhu cầu của người dân nên số lượng người dân tìm đến “tín dụng đen” đã giảm. Tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay nơi công cộng, tường bao, cây xanh, trên các Website và mạng xã hội đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, các nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen” từ rầm rộ, treo biển quảng cáo cho vay, công khai mời chào đã chuyển sang hoạt động cầm chừng, núp bóng, lén lút, lưu động, không có cơ sở, địa điểm cụ thể, hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.
Tháng 11.2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã bắt, khởi tố 3 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xảy ra trên địa bàn huyện Vị Xuyên với mức lãi suất từ 103,6% đến 876%/ năm. Trong vụ này, các đối tượng thu lợi bất chính hơn 600 triệu đồng. Tháng 12.2022, 3 đối tượng khác trên địa bàn thành phố Hà Giang cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cho vay lãi nặng với mức lãi suất từ 175% đến 1.015%/ năm, khi bị triệt phá, các đối tượng đã thu lợi bất chính hơn 920 triệu đồng. Năm 2023, lực lượng Công an đã phát hiện, điều tra, làm rõ, khởi tố và đề nghị truy tố 4 vụ với 12 bị can, trong đó cho vay lãi nặng 3 vụ với 7 bị can, cưỡng đoạt tài sản 1 vụ, 5 bị can. Qua công tác kiểm tra 202 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn, phát hiện 38 cơ sở vi phạm hành chính bị xử lý theo quy định.
Mặc dù TP&VPPL liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, kéo theo sự gia tăng của một số tội phạm và vi phạm pháp luật khác nhau như: Đánh bạc, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng… Nguyên nhân xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản thế chấp, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn từ ngân hàng, tổ chức tín dụng chính thức nên đã tìm đến “tín dụng đen” để vay tiền, bất chấp những rủi ro về lãi suất và việc không trả được nợ.
Thời gian tới, dự báo tình hình TP&VPPL liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhiều hành vi “biến tướng” mới khó phát hiện hơn. Các đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội, sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và lòng tham của một bộ phận người dân để huy động vốn với lãi xuất cao nhằm mục đích lừa đảo với số tiền lớn dưới các hình thức huy động tài chính, kinh doanh đa cấp, kinh doanh tiền ảo, tham gia họ, hụi… Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì rất cần sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không tham gia, tiếp tay những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.
Bài, ảnh: Nguyễn Lân
Ý kiến bạn đọc