Phòng, chống ma túy học đường cần sự vào cuộc của toàn xã hội
BHG - Trong những năm qua, công tác phòng, chống ma túy (PCMT) luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành làm tốt công tác tham mưu, có nhiều giải pháp, biện pháp phòng ngừa và đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, chủ động phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCMT và hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, các trường học, trung tâm đào tạo nghề nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh nhằm nâng cao nhận thức trong phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy, góp phần hạn chế gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Đối tượng bán chất ma túy cho học sinh (giữa) bị Công an thành phố Hà Giang bắt giữ. |
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tệ nạn ma túy trong và ngoài tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều loại chất hướng thần mới được tội phạm ma túy lạm dụng. Đặc biệt là thủ đoạn mua bán, tổ chức sử dụng các loại chất hướng thần, “núp bóng” pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử để lôi kéo, đầu độc giới trẻ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp, gây mất ANTT và nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Đối tượng của các loại ma túy mới này hướng đến giới trẻ, chủ yếu trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng quảng cáo, giới thiệu, tìm cách đưa ma túy đến cổng trường, hoặc sử dụng chính học sinh trong trường kinh doanh, cung cấp trực tiếp trong trường học… gây hậu quả nghiêm trọng đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Trên thị trường hiện có khoảng 100 loại ma túy đang lưu hành trái phép. Chất gây nghiện này không chỉ hủy hoại sức khỏe, hao tốn tiền bạc của gia đình mà còn để lại nhiều hệ lụy cho giới trẻ. Người nghiện ma túy sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng: Chức năng thải độc giảm dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động, ảnh hưởng đến lực học tập của học sinh; trường hợp sử dụng ma tuý quá liều có thể bị đột tử.
Mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về tác hại của ma túy, nhưng Heroin, Methamphetamin, thuốc lắc, cần sa… vẫn được giới trẻ sử dụng như một trào lưu. Cùng với công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng và từ nhà trường, việc phát hiện học sinh sử dụng ma túy đã cơ bản được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc liên quan đến hành vi dụ dỗ, lôi kéo học sinh các trường THPT tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật về ma túy đã được Công an các huyện, thành phố phát hiện, đấu tranh, triệt xóa.
Điển hình như: Tháng 11/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Công an huyện Yên Minh triệt xóa một điểm bán lẻ ma túy có liên quan đến học sinh. Trong vụ án này, đối tượng đã lợi dụng học sinh để cất giấu, mua bán trái phép chất ma túy. Ở một vụ việc khác, tháng 3/2023, Công an thành phố Hà Giang đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Quang Thái, trú tại Tổ 1, phường Nguyễn Trãi đang có hành vi bán chất ma túy cho học sinh của Trường THPT Lê Hồng Phong. Khám xét nơi ở của Thái, thu giữ hơn 1.439 gam cỏ Mỹ (kết quả giám định có chứa chất ma túy ADB –BUTINACA). Tiếp đó, Công an thành phố bắt giữ Nguyễn Trung Hậu, thường trú tại phường Minh Khai và Nguyễn Phương Anh, thường trú tại phường Trần Phú về hành vi bán thuốc lá điện tử (có chứa ma túy) cho học sinh và thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố.
Liên quan đến các vụ việc trên, Công an thành phố Hà Giang đã phát hiện nhiều học sinh các trường THPT trên địa bàn thường xuyên mua cỏ Mỹ, thuốc lá điện tử để sử dụng và có dấu hiệu lệ thuộc vào các chất ma túy pha trộn trong các sản phẩm này. Cùng với đó, tình hình tội phạm ma túy lợi dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, lôi kéo người trẻ giao dịch, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đang có xu hướng ngày càng phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giới học sinh tham gia sử dụng, đặc biệt là các loại chất ma túy mới. Đến nay, Công an các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai rà soát, thu thập thông tin về hoạt động của các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn nhằm sàng lọc, phát hiện, xử lý các đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh tham gia mua bán, tổ chức sử dụng và sử dụng trái phép chất ma túy; lực lượng Công an cũng chủ động làm việc với Ban Giám hiệu các trường THPT và THCS trên địa bàn để nắm tình hình, xác minh làm rõ những tồn tại trong công tác quản lý học sinh và phát hiện những nghi vấn liên quan đến việc thanh, thiếu niên, học sinh có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Có thể thấy, khi học sinh chưa có những hiểu biết đầy đủ về ma túy sẽ dẫn tới thái độ thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng với những loại ma túy trá hình đang xuất hiện phổ biến. Chính vì vậy, việc trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản này sẽ giúp học sinh, sinh viên chủ động tránh xa ma túy. Qua đó, góp phần ngăn chặn tối đa được sự tấn công của các loại ma túy vào giới trẻ hiện nay.
Phòng chống ma túy trong học đường là trách nhiệm của toàn xã hội và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau. Trong đó vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội phải có sự phối hợp chặt chẽ để mỗi học sinh đều được hưởng một môi trường giáo dục và môi trường xã hội lành mạnh và mỗi gia đình là một pháo đài không để tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn ma túy nói riêng xâm nhập. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh và giới trẻ về ma túy và tác hại của ma túy, những phương thức mà tội phạm ma túy sử dụng nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy; đồng thời trang bị thêm cho các em bản lĩnh và kỹ năng để các em tự có sức đề kháng trước những cám dỗ…
Bài, ảnh: Kỳ Long (Công anh tỉnh)
Ý kiến bạn đọc