Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp
BHG - Với chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, ngành Tư pháp đã thực hiện tốt việc rà soát, hệ thống hóa, đẩy nhanh việc xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương; đồng thời góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong nhân dân thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), làm cơ sở để tỉnh triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm nghèo...
Hội thi “Tìm hiểu chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng” tại xã Phố Cáo (Đồng Văn). |
Xác định hoạt động kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản QPPL được thực hiện tốt sẽ góp phần đảm bảo chất lượng văn bản ban hành, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nên thời gian qua, ngành Tư pháp tỉnh luôn tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Để làm tốt công tác này, hàng năm, Sở đều tham mưu tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn. Năm 2022, Sở tổ chức thẩm định 44 dự thảo văn bản QPPL, tham gia ý kiến vào 408 dự thảo văn bản, kiểm tra 22 văn bản do UBND tỉnh ban hành, kiểm tra theo thẩm quyền 14 văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL được thực hiện thường xuyên, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã theo quy định, để kịp thời phát hiện những văn bản QPPL mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL của tỉnh, ngành Tư pháp đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch về PBGDPL với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Nội dung và phương pháp tuyên truyền ngày càng được đổi mới, bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... Nội dung tuyên truyền cũng được chọn lọc thông qua việc nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm cụ thể của khu vực, trong đó tập trung tuyên tuyền, giới thiệu các văn bản QPPL mới ban hành, các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống dân sự, hình sự, kinh tế, đất đai... Qua đó, các chủ trương, chính sách đã được truyền tải một cách nhanh chóng, kịp thời đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Các hoạt động về hành chính tư pháp (công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, bồi thường Nhà nước...), hoạt động công chứng, chứng thực đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của tổ chức, công dân. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa và niêm yết công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. Vai trò của công chức tư pháp – hộ tịch xã, phường, thị trấn ngày càng phát huy tốt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của UBND cấp cơ sở về lĩnh vực tư pháp, vừa phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.
Cùng với đó, ngành tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng thụ hưởng, trong đó có người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, người nghèo và các đối tượng chính sách. Cùng với đó, chú trọng các hoạt động trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19... Năm 2022, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã thụ lý thực hiện được tổng số 896 vụ việc.
Giám đốc Sở Tư Pháp, Trương Huy Huân cho biết: Năm 2023, toàn ngành tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ theo Chương trình công tác Tư pháp mà UBND tỉnh đã ban hành. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật, gắn công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản QPPL. Tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL. Thực hiện hiệu quả công tác hành chính và bổ trợ tư pháp; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống trợ giúp pháp lý, nâng cao năng lực của hệ thống trợ giúp pháp lý để người dân dễ tiếp cận. Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025. Cùng với đó, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức Tư pháp đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra.
Bài, ảnh: YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc