Phòng ngừa, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

16:42, 19/08/2022

BHG - Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, lòng tham, mất cảnh giác của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) với số tiền lớn bằng các hoạt động tinh vi, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT) và đời sống Nhân dân.

Cơ quan chức năng xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan chức năng xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Vũ Thị Nhung phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, năm 2015, Vũ Thị Nhung lập tài khoản Facebook tên Trần Quang Khánh. Tháng 12.2018, Khánh (Nhung) và chị M.T.P.N kết bạn làm quen và thường xuyên nhắn tin nói chuyện với nhau qua ứng dụng Zalo và Messenger. Khi kết bạn với M.T.P.N, Nhung giới thiệu tên là Khánh, nhà ở tỉnh Tuyên Quang, công tác tại Công an tỉnh Hà Giang. Sau một thời gian nói chuyện qua mạng, M.T.P.N và Khánh nảy sinh tình cảm yêu đương mặc dù chưa gặp mặt. Trong thời gian yêu nhau, Nhung lên mạng tìm mua điện thoại có phần mềm chức năng chuyển đổi giọng nói từ nữ sang nam để nói chuyện với M.T.P.N. Lợi dụng lòng tin của M.T.P.N, Nhung nhiều lần đề nghị M.T.P.N chuyển tiền cho mình vay để mua đất, mua nhà, làm ăn kinh doanh, đi học và hứa chuyển nhượng đất sang tên cho M.T.P.N. Tổng số tiền bị can Vũ Thị Nhung đã lừa đảo chiếm đoạt của bị hại M.T.P.N hơn 5,3 tỷ đồng. Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Thị Nhung khai nhận hành vi phạm tội. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Nhung 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Những năm qua, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 20 vụ LĐCĐTS. Các hình thức LĐCĐTS xảy ra trên nhiều lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, bất động sản, kinh doanh, môi giới việc làm, thương mại điện tử... Đặc biệt, LĐCĐTS trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: Giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan Nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn trúng thưởng, kêu gọi đầu tư, kinh doanh đa cấp, tiền ảo, làm giả Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền...

Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động LĐCĐTS, ngày 25.5.2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động LĐCĐTS. Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 21, các địa phương và cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân; vận động Nhân dân cung cấp trên 1.000 tin báo có giá trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; duy trì hoạt động 587 mô hình tự quản về ANTT và 2.082 tổ tự quản về ANTT tại các thôn, tổ dân phố, 271 mô hình “Dân vận khéo” trong lực lượng Công an; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động LĐCĐTS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện, ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng LĐCĐTS lợi dụng hoạt động; chủ động phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi LĐCĐTS. Qua đó, tình hình tội phạm LĐCĐTS trên địa bàn tỉnh giảm so với giai đoạn trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao.

Hiện nay, tình hình tội phạm LĐCĐTS tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, “biến tướng” mới khó phát hiện hơn, đặc biệt hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 21; tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra; chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động LĐCĐTS; xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; thực hiện các đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT; xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, trường học an ninh, an toàn.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thị trấn Vị Xuyên phát huy vai trò Tổ tự quản an ninh, trật tự
BHG - Những năm qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được thực hiện sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên). Mô hình “Tổ tự quản an ninh trật tự” đã và đang phát huy tích cực, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.
22/07/2022
Đơn vị nòng cốt trong đấu tranh với tội phạm kinh tế
BHG - Phòng Cảnh sát kinh tế thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh, có chức năng nhiệm vụ trọng tâm là giúp Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp, công tác nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường; tổ chức thực hiện công tác truy nã, truy tìm theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
19/07/2022
Xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải nội dung sai sự thật trên Facebook
BHG - Công an thành phố Hà Giang vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với N.Đ.T, sinh năm 1976, thường trú tại tổ 6, phường Quang Trung, T.p Hà Giang về hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" trên mạng xã hội Facebook.
19/07/2022
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
BHG - Với 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 16.6, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
16/08/2022