Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân
BHG - Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 705 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017 – 2021, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, góp phần nâng cao ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Cán bộ Đồn Biên phòng Bạch Đích (Yên Minh) tuyên truyền pháp luật cho nhân dân vùng biên. |
Xác định công tác PBGDPL là một trong những hoạt động trọng tâm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, sau khi ban hành kế hoạch triển khai chương trình PBGDPL, các cấp, ngành đã quán triệt nội dung, thực hiện nghiêm túc thông qua các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, biên soạn, phát hành tài liệu. Đồng thời, rà soát, thống kê hệ thống văn bản pháp lý cần sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương ban hành kế hoạch triển khai đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, chủ động ký kết các chương trình phối hợp, tổ chức thực hiện. Trong đó, phát huy trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong việc tuyên truyền PBGDPL với nội dung, hình thức phù hợp. Củng cố, bổ sung Quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp…
Với mục tiêu đưa công tác PBGDPL đi vào chiều sâu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các ban, ngành, đoàn thể đã chủ động ban hành các đề án trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép thực hiện hiệu quả Quyết định số 705 với kế hoạch phát triển KT – XH địa phương. Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như: An toàn giao thông, đất đai, hình sự, khiếu nại, tố cáo; tài nguyên và môi trường; phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường; xuất, nhập cảnh… Qua triển khai có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo; có thể kể đến mô hình tuyên truyền PBGDPL qua hệ thống cụm thu, phát sóng FM không dây lắp đặt tại các xã, phường, thị trấn hay sự phối hợp giữa các Hội nghệ nhân dân gian với ngành, đoàn thể tuyên truyền pháp luật trực tiếp tại các thôn, bản. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai đã ghi nhận nhiều đề án tuyên truyền PBGDPL hiệu quả, như: Đề án tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới; PBGDPL tại một số địa bàn vi phạm trọng điểm; PBGDPL trong nhà trường…
Để triển khai hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đổi mới, sáng tạo về hình thức, phương thức tuyên truyền. Trong đó, đẩy mạnh PBGDPL gắn với ứng dụng CNTT thông qua hệ thống FM, internet, các trang mạng chính thống, mạng xã hội. Đăng tải các bài viết về pháp luật trên các kênh thông tin địa phương, cung cấp thông tin chính thống, nhanh chóng, kịp thời và đa dạng tới nhân dân. Đồng thời, phát sóng các chương trình PBGDPL bằng tiếng dân tộc; củng cố, mở rộng mạng lưới loa truyền thanh ở nông thôn. Qua đó tạo hiệu quả trong quản lý, điều hành triển khai, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về pháp luật. Mặt khác, quan tâm xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên có trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng tham gia hoạt động PBGDPL. Chú trọng xây dựng đội ngũ nòng cốt, tham gia PBGDPL. Hiện toàn tỉnh phát triển được 161 báo cáo viên cấp tỉnh, 364 báo cáo viên cấp huyện, 3.070 tuyên truyền viên và trên 11.000 hòa giải viên cơ sở.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 – 2021, nhận thức pháp luật của cán bộ, người dân không ngừng nâng cao, giảm vi phạm pháp luật tại các địa bàn trọng điểm. Cụ thể, tỉ lệ vi phạm pháp luật của nhân dân khu vực biên giới giảm 11,7%; trên 70% người dân toàn tỉnh được tuyên truyền pháp luật hàng năm; 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn; 95% thanh thiếu niên được PBGDPL. Xây dựng, duy trì hiệu quả hoạt động của hàng trăm mô hình điểm tuyên truyền…
PBGDPL là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong nâng cao nhận thức, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần phát triển KT – XH, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Do vậy, thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; đổi mới hình thức, xây dựng nội dung PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; chú trọng ứng dụng CNTT, ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí, đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia vào PBGDPL.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN