Đề cao cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo qua dịch vụ ngân hàng điện tử
BHG - Các ngân hàng ngày nay luôn đẩy mạnh phát triển dịch vụ ưu đãi; bên cạnh đó, xuất hiện nhiều kẻ xấu giả mạo ngân hàng ngày càng gia tăng. Nhiều khách hàng nhẹ dạ, cả tin trước những lợi ích ảo, bị các đối tượng xấu đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tiền thông qua tài khoản ngân hàng, thiệt hại nặng nề về kinh tế, gây hệ lụy khôn lường.
Tin nhắn lừa đảo được gửi trực tiếp đến chủ thuê bao. |
Hiện nay đang xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo công nghệ tinh vi, đa dạng từ những ứng dụng trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Twitter… Các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên các ngân hàng uy tín như: BIDV, Agribank, Vietinbank… để tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc về các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng; để thu thập thông tin, lịch sử giao dịch, số tài khoản của khách hàng. Những kẻ giả danh gửi sao chép các tin nhắn của ngân hàng có nội dung đề cao bảo mật, nâng cao cảnh giác trước các đối tượng lừa đảo qua mạng, kèm theo đường link dẫn để khách hàng điền thông tin, sẽ bị mắc bẫy. Táo tợn hơn, những kẻ lừa đảo còn chuyển 1 khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, mạo danh các ngân hàng uy tín thông báo có giao dịch đang bị treo và yêu cầu chủ tài khoản truy cập vào đường link đã gửi để kiểm tra giao dịch, thông tin, mở khóa chuyển tiền lại. Cũng có nhiều kẻ lừa đảo chọn phương thức gửi tin nhắn “nhầm” khi khách hàng không vay tiền của ngân hàng, có đường link để khách hàng truy cập... Người dùng truy cập vào các website giả mạo sẽ có nhiều bước cung cấp thông tin bảo mật của ngân hàng, mã OTP, mã số thẻ, xác thực thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền. Chị N.T.L, tổ 1, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) tâm tình: Tôi cũng chỉ vì 1 lần vô ý, thấy có tin nhắn là được ngân hàng hỗ trợ tiền vay 300 triệu đồng lãi suất thấp, không cần tài sản thế chấp. Trong khi đó, tôi đang rất cần tiền mặt để mua đất xây nhà, vì thấy ưu đãi quá lớn đã làm theo hướng dẫn, cung cấp thông tin cá nhân… Kẻ gian đã rút hết số tiền ít ỏi 2 triệu đồng còn lại trong tài khoản. Tôi mong mọi người hãy thận trọng, tránh bị chiếm đoạt tiền trên dịch vụ ngân hàng điện tử.
Những đối tượng lừa đảo còn mạo danh là nhân viên các nhà mạng như: Viettel, Vinaphone, Mobifone… gọi điện thông báo có chương trình hỗ trợ miễn phí nâng cấp sim 3G lên 4G qua điện thoại, kẻ lừa đảo sẽ gửi kèm tin nhắn SMS yêu cầu cung cấp số serial. Người dùng nếu cả tin làm theo hướng dẫn sẽ bị chiếm đoạt số điện thoại của chủ thuê bao, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng để thực hiện các giao dịch, mã OTP, cùng với giấy Chứng minh thư nhân dân, thẻ Căn cước công dân, gmail của người bị hại… Để kích hoạt lại dịch vụ ngân hàng điện tử của chủ thuê bao, thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến, để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân. Anh V.Đ.T tổ 2, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) chia sẻ: Tôi thường sử dụng 3G truy cập Internet để đọc báo, tìm kiếm thông tin hữu ích. Nhưng thấy gần đây có người lạ gọi điện tự xưng là nhân viên nhà mạng, nâng cấp miễn phí cho khách hàng lên 4G, nhưng lại yêu cầu những thông tin cá nhân, mã số thẻ ngân hàng, gửi đường link để làm theo hướng dẫn. Tôi vốn là người cẩn thận nên nhiều lần muốn gặp trực tiếp, nhưng kẻ lừa đảo không đồng ý, mà cứ vòng vo lấy lý do là đang đi cơ sở ở xa, không có thời gian gặp mặt. Chúng ta hãy tự đề phòng trước những chiêu trò lừa đảo tinh vi, khó lường trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ.
Chúng ta hãy cố gắng trở thành những người sáng suốt, tự nâng cao ý thức bảo mật; các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng chức danh các giao dịch viên, nhân viên kinh doanh ngân hàng để thực hiện hành vi xấu. Bên cạnh đó, các giao dịch, thanh toán thường qua thiết bị di động thông minh, vô tình tạo kẽ hở cho những kẻ xấu.
Bài, ảnh: THÁI KHANG