Tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em
BHG - Thời gian qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em (TE) trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, đẩy mạnh; tuy nhiên, tình trạng TE bị xâm hại vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp. Theo thống kê, năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 33 vụ với 38 TE bị xâm hại. Thực tế này tiếp tục đặt ra yêu cầu đối với các cấp, ngành và địa phương trong việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngặn chặn tình trạng xâm hại TE.
Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS-THPT Yên Minh hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu về xâm hại trẻ em. |
Toàn tỉnh hiện có trên 273.000 TE từ 0-16 tuổi, chiếm 32% dân số. Công tác chăm sóc, bảo vệ TE là nhiệm vụ được các cấp, các ngành quan tâm nhằm phòng ngừa trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Thực tế, TE luôn phải đối diện với nhiều nguy cơ, hiểm họa, mất an toàn trong cộng đồng. Do đó, bảo đảm cho TE có môi trường sống an toàn, nhất là tại nơi công cộng, trường học và cộng đồng là vấn đề cấp bách, cần sự chung tay của toàn xã hội. Không ngừng quan tâm, chú trọng đến công tác TE, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch hành động, chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả phòng ngừa xâm hại TE. Đồng thời, để cụ thể hóa Nghị quyết số 121 ngày 19.6.2020 của Quốc hội; vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền, phòng, chống xâm hại TE trên môi trường mạng, tai nạn thương tích. Nâng cao ý thức, sự chung tay của toàn xã hội trong phòng, chống và kịp thời ngăn chặn, tố giác hành vi xâm hại TE…
Đồng chí Phùng Thị Giang, Trưởng phòng TE và bình đẳng giới, Sở Lao động, TB&XH, cho biết: Thời gian qua, Phòng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại TE trong cộng đồng. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, gia đình và toàn xã hội trong việc thực hiện Luật TE, các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại TE. Tăng cường hỗ trợ giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và TE tiếp cận các dịch vụ về y tế, pháp lý bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền TE nhất là những trường hợp bị xâm hại. Phối hợp tổ chức các hoạt động đối thoại, diễn đàn về phòng, chống xâm hại TE nhằm phát huy quyền tham gia của TE, trách nhiệm bảo vệ con trẻ trên môi trường mạng. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi, quan niệm trong bảo vệ TE…
Toàn tỉnh hiện có 821 trường và cơ sở giáo dục. Công tác phòng, chống xâm hại TE trong các cơ sở giáo dục là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh. Hàng năm, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trong toàn ngành. Trong đó, tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội tích cực phòng, chống xâm hại TE trong môi trường giáo dục. Các nhà trường cũng tích cực trang bị, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục cho TE. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn, đội trong việc can thiệp sớm và phát hiện dấu hiệu bạo lực học đường, xâm hại TE. Qua đó, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, không có bạo lực học đường, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong nhà trường.
Song song với đó, thời gian qua, lực lượng công an toàn tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, năng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa các loại tội phạm liên quan đến xâm hại TE trong cộng đồng. Duy trì, thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình phòng, chống tối phạm và tự quản về an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, các hoạt động cung cấp, kết nối dịch vụ bảo vệ TE được đẩy mạnh; thiết lập mạng lưới kết nối quy trình tiếp nhận và xử lý thông báo tố giác hành vi xâm hại TE. Ngành Y tế cũng làm tốt công tác tiếp nhận, điều trị, chăm sóc trẻ bị xâm hại. Đồng thời, phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật và các tổ chức bảo trợ TE hỗ trợ các nhu cầu về tâm lý, tinh thần, pháp luật khi cần…
TE là thế hệ tương lai của đất nước, luôn cần được bảo vệ, nuôi dưỡng. Do vậy, các cấp, các ngành cần có nhiều giải pháp, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại TE. Quan tâm bố trí nguồn lực cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại TE…
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc